Ở Việt Nam, ngày lễ Noel không chỉ mang ý nghĩa của một ngày lễ mừng của đồng bào theo đạo Thiên Chúa, mà còn là dịp để tất cả mọi người hòa chung trong niềm vui lễ hội. Lễ Giáng sinh đang dần trở thành một nét văn hóa lễ hội ở Việt Nam, được nhiều gia đình, nhất là các bạn trẻ chào đón.
Ngày lễ Noel đã cận kề, không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp phố phường, không chỉ ở các nhà thờ, các khu giáo dân, mà hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu, các trung tâm thương mại, các nhà hàng ăn uống, kể cả các quán cà phê… đều giăng đèn, đèn kết hoa, trang trí cây thông và những hình ảnh mang đậm không khí của một lễ Noel.
Đường phố Hà Nội những ngày này lấp lánh đèn hoa, dập dìu người qua lại. Xung quanh Hồ Gươm là đèn hoa rực rỡ, phố Hàng Mã càng rực rỡ và sôi động hơn, bởi nơi đây là trung tâm để mọi người đến đây mua sắm các đồ trang trí cho Giáng sinh. Các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Time City, Royal City… đều rực rỡ, lung linh trong ánh đèn.
Các điểm vui chơi, đón Noel lãng mạn như công viên nước Hồ Tây, khách sạn Metropole trên phố Lý Thái Tổ… là những điểm đón Noel lãng mạn được nhiều người lựa chọn.
Không riêng Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, người dân cũng đang háo hức chờ đón Giáng sinh. Các con phố ở trung tâm Sài Gòn được trang hoàng lộng lẫy, đã thu hút hàng nghìn người đổ về tham quan mỗi đêm. Tại các điểm vui chơi khác như trung tâm thương mại Diamond Plaza, Kumho, Vincom, tòa nhà Bitexco…, đường Đồng Khởi, hồ Con Rùa, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng, cây cầu ánh sao gần Phú Mỹ Hưng…đâu đâu cũng tràn ngập không khí rộn ràng, chào đón lễ Giáng sinh sắp tới.
Cùng với không khí rộn ràng của ngày lễ Noel, các dịch vụ mua, bán, vận chuyển và tặng quà dịp Noel đang hút khách. Nhiều gia đình dù không theo đạo Thiên chúa, nhưng vẫn mua quà và thuê dịch vụ “ông già Noel” tặng quà cho các con. Chị Bích Thủy, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết: “Con tôi rất háo hức chờ đến Noel để được tặng quà, cháu còn viết thư cho ông già Noel để ‘xin’ được tặng đúng món quà mình thích nữa.
Vì vậy, dù không theo đạo Thiên chúa, nhưng tôi vẫn mua quà, rồi cho con đi chơi để con đỡ tủi”. Quả thực, trong giấc mơ của các em bé Việt Nam bây giờ không chỉ có ông Bụt, mà còn có cả ông già Tuyết. Và các em cũng háo hức chờ đợi giây phút thiêng liêng khi ông già Noel mặc áo đỏ râu dài sẽ gõ cửa nhà để tặng quà...
Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, nghi thức đón Noel đã dần trở nên quen thuộc và thành thói quen của con người Việt Nam trên cả nước. Việc trang trí đường phố, cửa hàng, trung tâm thương mại, cho đến việc tổ chức các hoạt động lễ hội, vui chơi… ngày lễ Giáng sinh đang dần dần được coi như một ngày lễ chung, thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt. Theo cách gọi của các nhà nghiên cứu văn hóa, sự biến đổi này chính là sự “tiếp biến văn hóa”, là kết quả tất yếu của quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, sự “tiếp biến văn hóa” ấy khi du nhập vào Việt Nam đã có những biến đổi nhất định. Nếu như Giáng sinh đối với đồng bào theo đạo Thiên chúa, là ngày để các thành viên trong gia đình quây quần, tụ họp, thì với những người “ngoại đạo” ở Việt Nam, lễ Noel là dịp để mọi người ăn mừng, là dịp để bạn bè rủ nhau ra đường, đi chơi, ngắm cảnh, tận hưởng không khí lễ hội... ở Việt Nam, ngày lễ Noel đã không còn đơn thuần là một ngày lễ mang tính tôn giáo nữa, mà hầu như đã trở thành lễ hội của tất cả mọi người.
Mọi người cảm thấy mình là người trong cuộc với tinh thần mừng Giáng sinh là vui mừng, nhớ đến những người thân yêu bằng những dòng thư, cánh thiệp chúc mừng hay món quà nhỏ trao tặng…
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, trong thời điểm hội nhập và phát triển như hiện nay, việc du nhập lễ hội là điều tất yếu. Tuy nhiên, đây cũng không đơn thuần là chuyện riêng của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình hay lớp trẻ, nó cũng không đơn thuần là chuyện vui chơi, giải trí, mà lễ hội chính là tấm gương phản chiếu nền văn hóa của một dân tộc…
Vì vậy, rất cần có sự tham gia của những nhà văn hóa, giáo dục, chỉ ra những cái hay, cái đẹp, cái nào phù hợp, cái nào chưa phù hợp… Trên cơ sở đó, các nhà quản lý, tổ chức có thể tác động, hướng dẫn để các lễ hội du nhập vào Việt Nam thể hiện được những khía cạnh tốt đẹp, để văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và tốt đẹp hơn.