Qua thời gian dài đổi mới, sau mọi thể nghiệm, dù có tạo được sự đa dạng và mới mẻ nhất định; những tác phẩm đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, có sức cuốn hút công chúng, tác động tích cực đến đời sống xã hội dường như vẫn chưa xuất hiện... Năm 2014 là năm có nhiều tìm tòi, đổi mới trong văn nghệ. Và con đường dẫn đến thành công, dẫn đến sự cao quý của nghệ thuật, không thể khác hơn là dấn thân vào cuộc sống, đốt cháy mình trong ngọn lửa của niềm đam mê không vụ lợi, của lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bởi thế, đầu năm 2014, hàng trăm văn nghệ sĩ (VNS) khắp mọi miền đất nước đã thực hiện cuộc Hành hương nghệ thuật về Điện Biên Phủ, qua các tỉnh miền Tây Bắc, tập kết tại Điện Biên Phủ đúng ngày 13-3, ngày mở màn chiến dịch của 60 năm trước. Trong mọi thắng lợi của cách mạng và kháng chiến, có sự đóng góp vẻ vang của một "binh chủng" vô cùng đặc biệt, "binh chủng" văn học nghệ thuật (VHNT). Mỗi chiến công oanh liệt đều gắn với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Hơn bất cứ mọi phương thức nào, tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm lay động lòng người, nhân lên sức mạnh dân tộc trong từng thời điểm lịch sử, mà còn là di sản tinh thần vô giá, là nguồn mạch không cạn nuôi dưỡng hồn người. Một ca sĩ trẻ tâm sự: "Lớp chúng tôi đã sống tự nhiên với cuộc sống hòa bình và tiện nghi đầy đủ hôm nay, thậm chí đôi khi còn phê phán quá khứ. Điều đó không khác gì một sự vô ơn. Công sức của cha ông lớn lao quá, vĩ đại quá, mà chúng tôi chỉ biết hướng về mình, hướng về một sự xa xôi nào đó". Nhạc sĩ Văn Ký, nhà văn Hồ Phương, đạo diễn Bùi Đình Hạc... và lớp văn nghệ sĩ thời chống Mỹ, cứu nước trẻ thêm niềm tin, sung mãn thêm sức sáng tạo và đã có những tác phẩm "viết ngay tại trận", những hoài thai về những tác phẩm lớn về nhân dân và chiến tranh cách mạng.
Sự dấn thân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nền nghệ thuật phụng sự Tổ quốc đã trào dâng như sóng Biển Đông khi chủ quyền của đất nước bị thách thức. Hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, về Anh Bộ đội Cụ Hồ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa có giá trị đã ra đời. Nhiều chương trình nghệ thuật ấn tượng được dàn dựng nhưHà Nội hướng về biển đảo, Hồn dân tộc - sóng Biển Đông; Là người con đất Việt; Bước chân người lính... Ở mỗi ngành, đều có những tin vui, những thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngày 27-11, tại Pa-ri, Thủ đô Cộng hòa Pháp, trong ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 9 của Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO với đại diện của 129 nước, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được vinh danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Các hoạt động nổi bật về âm nhạc trong năm còn có Liên hoan Ca trù toàn quốc do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26 đến 29-8 với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố cả nước; Festival Âm nhạc Á-Âugồm 200 nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia; Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùatại Hoàng thành Thăng Long dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô; hội thảo quốc tế về sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia...
Với văn học, bộ sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh gồm 11 tập được hoàn thành (NXB Hội Nhà văn) thể hiện sâu sắc tình cảm của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ cũng như tình cảm chân thành, sâu sắc của giới văn nghệ sĩ đối với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là năm tổng kết, khẳng định giá trị của văn học thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xuất bản tuyển tập Thế hệ nhà thơ chống Mỹ, cứu nước(một tập) và Thế hệ nhà văn chống Mỹ, cứu nước (hai tập) có độ dày hàng nghìn trang là một tập hợp đầy đủ những gương mặt tiêu biểu của nền văn học chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó, một kế hoạch dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới một cách có hệ thống đã được chuẩn bị.
Sân khấu năm 2014 đã có một số vở diễn kéo được đông đảo khán giả đến rạp và được giới chuyên môn đánh giá cao như: Hà Nội gió mùa(Nhà hát Cải lương Việt Nam), Cánh chim trắng trong đêm (Nhà hát Chèo Hà Nội), Bệnh sĩ (Nhà hát Kịch Việt Nam)... Đặc biệt Nhà hát Múa rối Việt Nam đã giành được Giải thưởng cao nhất tại Liên hoan Múa rối quốc tế 2014 tổ chức tại Thái-lan. Về nghệ thuật biểu diễn, các ca sĩ Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương liên tiếp được vinh danh là Nghệ sĩ xuất sắc nhất châu Á 2012, 2013, 2014.
Sự kiện điện ảnh lớn nhất năm qua là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ ba, diễn ra từ ngày 23 đến 27-11, đón nhận gần 400 tác phẩm từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam giành hai giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo cho Đập cánh giữa không trung(phim dài) và Ngoài kia có gì? (phim ngắn), đều là phim độc lập. Như vậy, đây cũng là năm ghi dấu sự xuất hiện, gây ấn tượng của các nhà làm phim trẻ và dòng phim độc lập.
Năm 2014 được xem là một năm "ghi điểm" của ngành mỹ thuật trong "chiến dịch" dọn dẹp linh vật ngoại lai khỏi di tích đình, chùa theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Đà Nẵng đã giới thiệu đến công chúng những mẫu linh vật truyền thống của Việt Nam, góp phần định hướng thẩm mỹ cho người sản xuất và sử dụng.
Kiến trúc Việt Nam năm qua ghi nhận sự định hình của xu thế Kiến trúc Xanh (KTX). Giải thưởng KTX 2014 cho sinh viên và KTS trẻ cùng nhiều giải thưởng của thế giới cho công trình KTX của các KTS Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hòa Hiệp... đã khẳng định con đường đúng của kiến trúc Việt hiện đại.
Bên cạnh những thành tựu, năm 2014 còn là năm bộc lộ nhiều những mặt trái. Trước hết đó là sự phân liệt đội ngũ, nhiều người rời khỏi hội của mình để ngả sang tổ chức khác; có người vào hội, tham gia ban chấp hành vẫn thiếu tính nghiêm túc; đồng thời cũng bộc lộ sự chậm đổi mới trong tổ chức và hoạt động của các hội nghề nghiệp. Việc chạy theo nhu cầu thương mại, giải trí đã đẻ ra vô số phim kinh dị, sách xấu, sân khấu sex, nhạc phẩm vô nghĩa, quái lạ. Nạn đạo tặc hoành hành...
Người hoạt động nghệ thuật cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước xã hội; song để xảy ra những tiêu cực tràn lan như đã nêu, có trách nhiệm rất lớn của việc lãnh đạo và quản lý.
Một nghị quyết rất kịp thời, cẩm nang của phát triển văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật đã được ra đời vào tháng 6-2014, trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa văn nghệ. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Con người, đương nhiên trong đó có văn nghệ sĩ, là gốc mọi vấn đề. Nghị quyết chỉ rõ: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.
Lý luận đi trước một bước. Sau khi chỉ rõ những thành tựu cũng như yếu kém trong văn nghệ hiện nay, đòi hỏi những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; khắc phục tình trạng yếu kém, chắp vá trong lý luận, nghị quyết đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng được một nền lý luận văn nghệ Việt Nam.
Thực hiện nghị quyết, tháng 7-2014, Báo Nhân Dân , Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (LLPB VHNT) Trung ương đã tổ chức tọa đàm Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước. Các tham luận khẳng định mỹ học Mác -Lê-nin, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, tinh hoa lý luận thế giới; đặc biệt là tinh hoa lý luận của cha ông ta và thực tiễn sinh động chính là những cột trụ để xây nên tòa nhà của lý luận văn nghệ Việt Nam.
Hội thảo Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nayvà nhiều hội thảo khoa học khác do Hội đồng LLPB VHNT Trung ương và các ngành tổ chức đã làm rõ các khía cạnh khác nhau của tình hình, định hướng và xây dựng những cơ chế, chính sách bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ hơn của VHNT trong thời gian tới.
Kế thừa những thành tựu vẻ vang của nghệ thuật cách mạng và kháng chiến, với tinh thần một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; dấn thân vào thực tế để có hiểu biết, sức mạnh và cảm hứng lớn của nhân dân; nhất định văn nghệ nước nhà sẽ có thêm nhiều những tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, mang sức sống thời đại và được bảo tồn cùng lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đối với người nghệ sĩ, không gì cao cả, vinh quang hơn thế!