Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

09:39, 09/05/2015

Hôm nay về Tây Nguyên thấy khác xưa nhiều lắm! Bây giờ đã là một Tây Nguyên hoàn toàn khác, Tây Nguyên của phố xá và người đến từ nhiều nơi.

Sự phát triển kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông; đường ô-tô không chỉ lên xã, mà đến tận buôn, làng làm cho Tây Nguyên không còn cách trở như thuở những người cộng sản bị bắt đi đày "Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao/ Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh". Đường Hồ Chí Minh đã vắt qua các tỉnh Tây Nguyên, tạo ra tốc độ mới, thông thương mới. "Cuộc sống đã thay đổi một cách diệu kỳ, hơn nghìn lần trước" - rất nhiều người chân thành thổ lộ và đó là sự thật, là thành quả diệu kỳ của những năm đổi mới.

 

Giữa cái nắng cháy đất, Sê-rê-pốc cạn dòng, càng nhớ rừng. Ngoài một số vườn quốc gia có diện tích khiêm tốn so với cả cao nguyên bao la, thì khắp nơi, rừng hầu như đã kiệt. Ngay cả vùng Ngã ba Đông Dương, cửa khẩu Bờ Y, nhìn sang phía bạn vẫn xanh cây mà bên mình là những ngọn đồi xối nắng.

 

Và ở đây, khiến người ta bỗng nhớ tới cuốn sách của nhà dân tộc học người Pháp Công-đô-mi-nát Chúng tôi ăn rừng. Vì sao những người du canh, du cư nghìn đời "ăn rừng" mà rừng vẫn không hết? Vì sau mỗi mùa, họ trả lại cho rừng, ngay cả cái làng của mình. Người Tây Nguyên chỉ cần sống đủ, sống lãng mạn, không cần giàu có, tích lũy. Đó là triết lý của người Tây Nguyên mà nhà truyền giáo, nhà khoa học người Pháp J.Đuốc-nơ (Jacques Dournes, 1922-1993) đã phát hiện J.Đuốc-nơ đã sống ở Tây Nguyên từ năm 1946 đến 1969, bị cuốn hút bởi văn hóa Tây Nguyên đến mức đã sống như người Tây Nguyên. Ông từng bị mất chức linh mục vì mải mê văn hóa Tây Nguyên mà quên lãng sự nghiệp truyền giáo. Bù lại, với các nghiên cứu Tây Nguyên, ông trở thành nhà khoa học lớn, tiến sĩ Trường đại học Xoóc-bon về tổ chức gia đình làng xã Tây Nguyên; tiến sĩ quốc gia Pháp về văn chương và khoa học nhân văn về người Gia Rai. Và quan trọng hơn, Tây Nguyên đã cho ông một cuộc sống đích thực.

 

Vậy đó, người Gia Rai, người Tây Nguyên biết trọng giá trị tinh thần hơn giá trị vật chất; biết kết nối các thế giới trong những huyền thoại mà trở nên một vùng văn hóa lớn. Từ triết lý của người Tây Nguyên, tôi bỗng nhớ vào năm 1987, khi Thời báo Tài chínhnước Anh phê phán sự chậm phát triển kinh tế ở Bu-tan, nhà vua nước này, ông Dích-me Xin-ghi Dang-chúc đã trả lời: "Tổng hạnh phúc quốc gia còn quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội". Mục tiêu của nhân loại, giá trị nhân văn chính là hạnh phúc cho con người.

 

Y Yơn, một trí thức Tây học, từng là Phó Chủ tịch huyện Buôn Hồ sau Cách mạng Tháng Tám; ca sĩ trong Đội vũ trang tuyên truyền kháng chiến, tập kết, học Nhạc viện Hà Nội, ca sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam; từng đoạt một giải thưởng lớn về âm nhạc (Giải Hoàng Mai Lưu) cùng với Phan Huỳnh Điểu. Sau giải phóng, ông trở về Tây Nguyên, với rừng, bỏ lại tất cả mọi thứ, ở trong căn nhà nhỏ, giường và bàn bằng tre; nồi bắc trên ba hòn đá làm bếp như thời cổ xưa, vui vẻ làm người hát rong...

 

Đến huyện Buôn Đôn, quê hương của những ông vua săn voi. Trường ca Đam San kể về Tây Nguyên xưa: "Dấu chân voi, chân thú đi như bện thừng"; "Đó là những cây smuk ở phía đông nhà, cây pơ-lang ở phía tây hiên...

 

Đó là những cây gốc trong suối, thân trong thung, bóng rợp cả một vùng, tên gọi là gì không rõ. Gốc cây người đi quanh phải mất một năm. Cành cây chim chuyền phải mất một tháng, tán cây chim bay hết một hơi". Trừ đi lối nói khoa trương, ta thấy quanh nhà người Tây Nguyên từng đầy những cây to.

 

A Nhóa, A Bố ở xã Xốp dưới chân núi Ngọc Linh, cái làng nguyên mẫu trong truyện ngắn Rừng xà nu kể rằng, thời chống Mỹ, làng các ông còn có những cây mà bảy người ôm chưa kín gốc. Không có cây thì không có thú. Tại bản Đôn, tôi được nghe kể về vua săn voi Khun Ju Nốp (Y Thu Knul, 1828-1938), người sáng lập bản Đôn, người đã từng săn bắt và thuần dưỡng 400 con voi, trong đó có cả voi đực trắng. Rồi Ama Kông (1909-2012), người săn và thuần dưỡng được 298 con. Ở Tây Nguyên, chỉ người M'Nông mới biết săn voi. Voi rừng nay đã vô cùng hiếm. Voi nhà Tây Nguyên đến ngày 17-4-2015 chỉ còn 19 con. Sóc Hala, một nài voi M'Nông tại bản Đôn kể: "Cả vùng này có 20 con, nay chỉ còn 19. Con Ma Đung của Đríp bị chặt vòi, chém nhiều nhát chết hôm qua". Tôi nghe lạnh người. Vào ngày 16-12-2012, con voi Pắc Kú của Công ty TNHH du lịch sinh thái bản Đôn cũng bị chết bởi 200 vết chém, mặt bị đốt cháy xém. Lý do là để lấy ngà, lấy lông đuôi voi, để triệt hạ nguồn lợi du lịch có từ voi. Mặt trái của cơ chế thị trường mang sức hủy hoại ghê gớm! Tại đảo Ây Nô (Ông thằng Nô), tôi gặp Bun Mi, người Lào, cha ở Pắc Xế sang Việt Nam từ năm 1948. Ông đã 60 tuổi, có 14 con đều sống quanh đây. Bun Mi nói: Trước đây hoang vu nhưng yên ổn.

 

Xuống sông, lên rừng đều có cái ăn, đông con cũng không sợ. Bây giờ, sông không có nước, rừng không có cây, mình cảm thấy như con thú bị săn đuổi...

 

Lại nói đến chuyện sông. Tây Nguyên là nơi có hồ lớn như Biển Hồ, hồ Lắc. Và những dòng sông không chỉ tạo nên những ngọn thác thơ mộng, kỳ vĩ nhất Việt Nam như Pren, Pông Gua, Trinh Nữ, Đrây Sáp, Đrây Nu, Đrây H'linh... mà còn cho phù sa màu mỡ, thủy sản quý hiếm. Trên sông Sê San, con sông có 237 km chảy trên đất Việt Nam mà có sáu công trình thủy điện: Thượng Kon Tum, Plây Krông, Ya Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4.

 

Trên mặt đập hồ thủy điện Ya Ly, kỹ sư điện Đoàn Tiến Cường, Phó Giám đốc nhà máy bâng khuâng: Để có công suất 720 MW, những người thiết kế đã tạo cột áp có độ cao 200 m so với tua-bin. Với hai đường ống thu và dẫn nước dài 3,9 và 3,7 km; thì như anh thấy, đã mất 4,5 km sông. Có thể có một thiết kế khác tốt hơn, hài hòa giữa các lợi ích... Đấy là sông, chưa kể lòng hồ đã "ăn" bao nhiêu rừng, bao nhiêu làng. Phát triển là cần thiết, phát triển nào cũng phải trả giá, nhưng chúng ta có nhất thiết phải trả cái giá quá đắt như thế không? Một anh bạn đi cùng bỗng cất tiếng hát, bài hát Trở về dòng sông tuổi thơcủa Hoàng Hiệp: Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi Bao năm xa quê ấy, trong mơ tôi vẫn thấy Hôm nay tôi trở về, lòng chợt vui thấy sông không già ...

 

Lay động quá mà cũng bùi ngùi quá! Đấy là người trở về còn có sông, người trở về không còn sông thì còn quê chăng? Sông là mạch máu của một vùng đất. Núi rừng cỏ cây là da thịt. Sông núi là hồn người. Nay sông cạn, núi mòn, làm sao mà không buồn được?

 

Trên đường phố Buôn Ma Thuột, người ta làm đế cột điện là những bình hoa. Cột điện cắm bình hoa, tôi không hiểu đó là văn hóa gì. Bao nhiêu cái cũ, mang hồn người Tây Nguyên đã mất đi. Bao nhiêu cái mới kệch cỡm theo các dự án mà xuất hiện, theo cuộc sống xô bồ mà xuất hiện.