Đổi mới nghệ thuật biểu diễn sân khấu

08:22, 15/01/2017

Nói đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu là nói tới sự tài tình, tinh tế trong diễn xuất của diễn viên. Đây là lực lượng chính làm nên linh hồn của vở diễn. Song nhìn vào diện mạo sân khấu nước nhà, không khỏi ngậm ngùi khi nhận ra sự thiếu hụt trầm trọng về đội ngũ diễn viên kế cận.

Thiếu và yếu

 

Trong khi truyền hình, điện ảnh đang “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu lại phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 đến 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, và từ 25 đến 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ nhận thấy là tồn tại tương đối nhiều những diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà nước cũng buộc phải đưa ra quy định về độ tuổi thí sinh tham dự là dưới 33, là lứa tuổi mà ở loại hình nghệ thuật nào cũng không còn được coi là trẻ.

 

Thực tế, soi chiếu vào các đơn vị kịch hát dân tộc nước ta hiện nay sẽ thấy lực lượng diễn viên phân hóa thành hai nhóm. Nhóm các nghệ sĩ có thâm niên, tài năng thì đã phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca. Trong khi đó, đội ngũ diễn viên trẻ, thường chiếm số lượng ít, lại không đủ năng lực để thể hiện tròn vai các hình tượng sân khấu. Hầu hết các đơn vị khi nhận diễn viên mới phải mất thời gian đào tạo lại và diễn viên cũng vì thế mất đi vài năm thanh sắc. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam có lần thở dài chia sẻ: Ngày trước, chị bắt đầu nhận vai chính đầu tiên năm 17 tuổi, độ tuổi “sung” nhất về thanh sắc, cảm xúc. Nhưng bây giờ, diễn viên tốt nghiệp ra trường đã 22, 23 tuổi, nhận về nhà hát phải tập sự vài năm, đến khi được vào vai đào chính, kép chính thì cũng bớt đi nhiều sức hấp dẫn. Lực lượng biểu diễn vừa thiếu, vừa yếu cho nên nhiều vở phải chấp nhận tình trạng “cưa sừng làm nghé”, để các diễn viên trên dưới 40 tuổi đảm nhận vai diễn… tuổi 20. Cũng bởi vậy mà con thuyền sân khấu nước nhà càng tròng trành hơn trên con đường chinh phục khán giả.

 

Thách thức bủa vây

 

Ngay khâu “đầu vào” tại các trường sân khấu điện ảnh đã khan hiếm thí sinh theo học. Nhiều năm nay, các đơn vị đào tạo hầu như không tuyển được thí sinh theo học tuồng. Năm 2016, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đặt chỉ tiêu tuyển 45 diễn viên kịch hát hệ đại học chính quy, nhưng rốt cuộc chỉ tuyển được 15 diễn viên chèo, 11 diễn viên cải lương, bảy diễn viên cho rối. PGS, TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: Dễ nhận thấy các tài năng sân khấu, nhất là của kịch hát truyền thống đang bị “chảy máu” sang ngành nghề khác, ngay cả khi được Nhà nước giảm tới 70% học phí cùng nhiều ưu đãi. Nhiều con em nghệ sĩ là con nhà nòi, có sẵn tố chất và giọng hát hay nhưng không theo nghề bố mẹ. Ngược lại, theo học chuyên ngành điện ảnh, truyền hình phải đóng toàn bộ học phí, làm bài tập tốn kém nhưng thí sinh thi vào lại đông. Ngày trước, một gia đình nghệ sĩ thường có nhiều thế hệ theo nghiệp Tổ kiểu cha truyền con nối, dạy các em khi đó rất nhàn vì đã trưởng thành trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ, vừa nói đã hiểu ngay ý thầy. Nhưng nay, những trường hợp này vô cùng hiếm. Đây là điều đáng tiếc của sân khấu nước nhà.

 

Song cũng khó trách sự lựa chọn của các học viên, khi mà thực tế nhãn tiền là thu nhập từ nghiệp diễn của các nghệ sĩ sân khấu khó có thể đủ để nuôi sống bản thân, gia đình, nhất là trong bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình giải trí khác. Rất nhiều nghệ sĩ có tài phải bươn chải với nhiều công việc khác nhau. Nghệ sĩ Quang Khải, gương mặt solist của Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, ngoài công việc diễn ở nhà hát, anh còn làm MC đám cưới, hướng dẫn viên du lịch, hát nhạc nhẹ ở một số sự kiện... Hay NSƯT Vương Hà, giọng ca quen thuộc của cải lương đất bắc cũng tay năm tay mười với nhiều việc làm thêm như: hát dân ca quan họ ở hội nghị, nhận đọc quảng cáo, đọc thuyết minh phim… Song không phải ai cũng có may mắn nhận được nhiều hợp đồng ngoài như họ. “Cơm áo không đùa với khách thơ” cho nên ai còn cố giữ “lửa nghề” thì phải “chân ngoài dài hơn chân trong”; còn ai không đủ sức buộc phải từ bỏ tình yêu sân khấu. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận ngậm ngùi: “Năm vừa rồi, nhà hát có mấy anh em xin nghỉ ra ngoài làm. Tiếc lắm, nhưng không giữ được vì ai cũng có gánh nặng phải lo”.

 

Hiện, các đơn vị sân khấu trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều đang trong lộ trình tự chủ kinh tế. Mà khi đã tự chủ, một trong các yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh chính là thu hút nhân tài. Nhưng nhân tài khan hiếm cho nên các nhà hát vừa phải tuyển, vừa phải “nịnh”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để diễn viên có thể chạy sô tăng thêm thu nhập. Song cũng bởi thế mà đôi lúc các đơn vị lâm vào cảnh dở khóc dở cười. NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ: Nhiều khi thiếu kinh phí, mình có thể huy động các mối quan hệ để có nguồn dựng vở, nhưng thiếu diễn viên thì chịu không thể diễn cho ra trò. Có vở đã chọn được diễn viên ưng ý, nhưng khi có kỳ cuộc đột xuất cần diễn lại để phục vụ thì diễn viên ấy lại bận chạy sô bên ngoài, không thể sắp xếp thời gian tham gia. Đạo diễn lại phải thay diễn viên mới mà thời gian gấp rút, vì thế không thể bảo đảm chất lượng.

 

Nỗ lực đổi mới

 

Khó lòng kể hết những thách thức mà sân khấu đang phải đối mặt từ việc thiếu diễn viên trẻ. Song nhìn nhận thực trạng này không phải để đổ lỗi hay trông chờ sự giúp đỡ mà là để sân khấu tìm cách tự giải cứu. Thực tế gần đây, một số nhà hát đã chủ động thay đổi cách thức quản lý nhằm tăng cường sự gắn bó của diễn viên với đơn vị. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận chia sẻ: Hiện, nhà hát đang áp dụng mô hình cổ phần hóa từng vở diễn, kêu gọi nghệ sĩ cùng đầu tư làm sản phẩm. Sau công diễn, doanh thu sẽ được chia cho các bên. Nếu dưới 35 triệu đồng, cát-xê sẽ chỉ ở mức 200 nghìn đồng mỗi buổi diễn, nhưng thù lao sẽ tăng gấp đôi nếu doanh thu hơn 35 triệu đồng và tăng gấp ba nếu doanh thu hơn 50 triệu đồng. Hướng đi này giúp nghệ sĩ cảm thấy mình được làm chủ tác phẩm và có động lực phấn đấu nâng cao chất lượng, doanh thu vở diễn.

 

Thời gian qua, để tăng cường nguồn thu cho đơn vị và cũng để cải thiện thu nhập cho diễn viên, nghệ sĩ, nhiều nhà hát đã phát huy được sự năng động trong việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Những vở diễn như Mai Hắc Đế, Vua Phật (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Bệnh sĩ (Nhà hát Kịch Việt Nam)… được dàn dựng thành công từ nguồn tài trợ là những tín hiệu vui cho thấy sân khấu đã bắt đầu có bứt phá để không bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy hội nhập. NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cho biết, để giải quyết thách thức từ việc bán vé, công tác truyền thông sân khấu cũng cần hết sức coi trọng. Nhà hát do ông quản lý những năm qua luôn chú ý cập nhật địa chỉ liên lạc cụ thể của từng khán giả đến xem. Mỗi lần có chương trình, sự kiện, bộ phận truyền thông lại gọi điện, nhắn tin, cung cấp thông tin và gửi vé đến nhà cho những người quan tâm. Vì thế mà số lượng vé luôn được tiêu thụ khá nhanh và ổn định. Ông Bình cũng cho hay, trong 57 tỷ đồng là doanh thu của nhà hát năm 2015, phần lớn là tiền thu được từ bán vé.

 

Bên cạnh nỗ lực đổi mới của từng đơn vị, ngành văn hóa nước ta cũng đang vào cuộc quyết liệt để tìm giải pháp bổ sung kịp thời đội ngũ diễn viên sân khấu kế cận. Hiện, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang phối hợp các cơ quan hữu quan thực hiện đề án “Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020”. Năm 2016, đề án đã triển khai tuyển sinh diễn viên tuồng, chèo từ độ tuổi 14 đến 15 ở nhiều tỉnh, thành phố; và năm 2017 sẽ tiếp tục tuyển sinh diễn viên cải lương, ca múa kịch. Sau thời gian đào tạo bốn năm với tuồng, ba năm với các loại hình còn lại, các em sẽ trở thành những diễn viên trẻ 17, 18 tuổi - lứa tuổi vàng để thể hiện mình và cống hiến cho sân khấu. Cùng với đó, được sự hậu thuẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã thí điểm tự chủ tuyển sinh và đào tạo diễn viên, để năm 2018 có thể cho “ra lò” những tài năng trẻ đủ điều kiện biểu diễn. Đây là những nốt nhạc vui giúp người yêu sân khấu có quyền kỳ vọng vào diện mạo tươi sáng hơn của sân khấu nước nhà với đội ngũ diễn viên hội đủ “thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần”.