Đến hẹn lại lên, Lễ hội Trà đã bắt đầu trở lại nhộn nhịp, đông vui trên vùng đất Đại Từ giàu truyền thống cách mạng. Đây là lần thứ 5 Lễ hội được tổ chức trong sự mong đợi của người làm chè, người thưởng trà và cả du khách thập phương.
Lễ hội Trà năm nay diễn ra trong hai ngày (6 và 7 tháng Chạp, tức ngày 3 và 4-1-2017), hứa hẹn mang đến một không gian văn hóa trà đặc sắc, đậm nét truyền thống của quê hương Đại Từ, với những sự kiện phong phú, hấp dẫn như: Không gian pha và thưởng trà để cảm nhận văn hóa trà Việt giản dị, gần gũi nhưng cũng rất đỗi tinh tế như tâm hồn người Việt, như mảnh đất và con người Đại Từ; các hoạt động dân gian như hát Soọng cô, hát Then, đàn tính của người Tày; biểu diễn các nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt là chương trình liên hoan văn nghệ, giao lưu đốt lửa trại, thi kéo co và hội thi với chủ đề “Bàn tay vàng chế biến chè”.
Là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tôn vinh cây chè, người trồng, chế biến chè và xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm chè, Lễ hội Trà Đại Từ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, Trà Việt Nam. Đây thực sự là ngày hội của nhân dân, của các làng nghề, doanh nghiệp và đông đảo người trồng, chế biến chè, là cơ hội mở rộng giao lưu văn hóa và hội nhập để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các hoạt động tại Lễ hội có ý nghĩa thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, hấp dẫn, độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ, góp phần tích cực thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Trà Thái Nguyên”. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh trà” của vùng đất Thái Nguyên trong hương sắc “Trà Việt”.
Điều đáng nói là sau thành công của 4 năm tổ chức Lễ hội Trà, sản phẩm trà của huyện đã được nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến; nhiều làng nghề chè được công nhận. Những người làm chè đã tự nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng trà thành phẩm, ý thức rõ ràng hơn về thương hiệu sản phẩm; về tiếp cận thị trường và xúc tiến đầu tư... Để góp phần cùng người dân nâng cao năng suất, chất lượng chè, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong thâm canh, cải tạo và trồng mới chè; tổ chức tập huấn kỹ thuật đi đôi với xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Kéo theo đó là xây dựng các vùng sản xuất chè chất lượng cao bằng cách đưa các giống chè chất lượng cao vào trồng mới, trồng lại, từng bước hình thành một số vùng sản xuất chè chất lượng cao tại các xã La Bằng, Phú Thịnh, Hùng Sơn và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tập huấn sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ kinh phí để các hộ dân mua tôn quay chè bằng I nox, máy đóng gói hút chân không…
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đại Từ trong việc phát triển cây chè, đến nay, cây chè đã thực sự trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Với hơn 6.300ha chè hiện có, Đại Từ đã và đang tiếp tục là “vựa” chè lớn nhất tỉnh khi diện tích chè của huyện chiếm tới 1/3 diện tích chè của vùng chè Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè cho sản phẩm là trên 5.300ha, năng suất chè bình quân năm 2016 đạt 115 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 62.000 tấn; cả 30 xã, thị trấn trong huyện đều có nghề trồng chè. Đặc biệt, huyện đã tích cực đưa các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP vào địa phương. Tính đến nay, diện tích sản xuất chè được chứng nhận an toàn theo quy trình VietGAP của huyện là khoảng 200ha, tập trung nhiều ở các xã: La Bằng, Tân Linh, Hùng Sơn, Tiên Hội... Không chỉ thực hiện các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện còn từng bước nhân rộng diện tích sản xuất chè an toàn trên địa bàn. Năng suất, chất lượng, giá thành đều được nâng lên và thị trường tiêu thụ rộng mở, các mô hình sản xuất chè an toàn này đã khẳng định được hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Đại Từ.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2015-2020), trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành các sản phẩm chè Đại Từ, huyện đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè giai đoạn 2016-2020, trong đó, đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Cụ thể, đối với sản xuất chè, huyện không chú trọng mở rộng thêm diện tích mà tập trung vào việc trồng thay thế chè theo quy hoạch, trong đó sẽ chỉ đạo người dân tập trung trồng các giống chè cành năng suất, chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1... Xây dựng các vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế (UTZ) nhằm hướng tới một nền sản xuất hiệu quả và bền vững. Cùng với đó là tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng các vườn cây đầu dòng giống chè mới và các vườn ươm giống; chọn một số cây chè trung du làm cây đầu dòng để bảo tồn; tăng cường kiểm tra chất lượng giống chè đưa vào sản xuất…
Song song với đó, huyện khuyến khích người dân đưa các máy móc hiện đại vào phục vụ chế biến chè để sản phẩm chè sản xuất ra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến quy mô nhỏ và vừa với thiết bị đồng bộ, hiện đại, chế biến theo công nghệ chè xanh trên địa bàn; có cơ chế hỗ trợ các hợp tqacs xã, hộ gia đình đầu tư mua máy móc, thiết bị tưới chè, đóng gói bảo quản để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về kinh doanh, tiêu thụ, địa phương tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhất là duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể “chè Đại Từ”, nhãn hiệu tập thể “chè La Bằng”; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm chè của mình cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất thông qua công tác khuyến nông, khuyến công, nhất là quan tâm cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản về thị trường cho người sản xuất và kinh doanh chè trong huyện...