Sôi động thị trường đồ lễ cúng ông Công, ông Táo

16:39, 17/01/2017

Cận Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường vàng mã trên địa bàn T.P Thái Nguyên bắt đầu sôi động. Năm nay, các mặt hàng đồ cúng ông Công, ông Táo được đánh giá là đẹp hơn, đa dạng hơn trong khi mức giá không có nhiều thay đổi.

Khảo sát tại các chợ: Thái, Túc Duyên, Đồng Quang và khu vực ngõ 226, đường Bến Oánh, T.P Thái Nguyên, chúng tôi thấy các mặt hàng phục vụ Tết ông Công, ông Táo được bày bán la liệt, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống quen thuộc như: quần áo, mũ, hài, nến, cá chép giấy, hương, tiền, vàng. Thời điểm này, khách đến mua đồ lễ đã khá đông đúc. Theo ghi nhận của chúng tôi, một bộ đầy đủ gồm quần áo, tiền vàng, cá chép, giấy... có giá thấp nhất từ 35.000 đồng, cao nhất 300.000 đồng; ngựa từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ; quần áo từ 10.000  đến 20.000 đồng/bộ. Đi kèm theo mũ mã, giày dép, quần áo là các mặt hàng như: tiền, vàng, hương, nến, cành vàng, lá ngọc. Chị Nguyễn Thị Phương, chủ cửa hàng vàng mã Minh Phương, ở ngõ 226, đường Bến Oánh cho biết: Năm nay, bắt đầu từ ngày 17 tháng Chạp, vào ngày nghỉ cuối tuần, người dân đã đi mua sắm đồ cúng khá tấp nập. Nhà tôi ngày thường chỉ có 1 người bán nhưng vào dịp này phải 2, 3 người bán mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Để thuận tiện cho người dân mua sắm, cửa hàng tôi nhập hàng hóa về cách đây gần 1 tháng. Năm nay, các mặt hàng bình dân bán khá chạy. Giá cũng chỉ tăng hơn năm ngoái khoảng 5%.

 

Theo truyền thống của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều sắm đồ lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời với hy vọng đón năm mới gặp nhiều may mắn, bình an. Chị Ngô Thị Quỳnh, ở tổ 2, phường Trung Thành cho biết: Cùng với việc sửa soạn mâm cơm, gia đình tôi còn chọn mua 1 bộ quần áo, hài mũ để cúng ông Táo về chầu trời với ước nguyện 1 năm mới đại gia đình dồi dào sức khỏe, mọi điều may mắn, tốt lành. Ngoài ra, tôi cũng mua thêm tiền, vàng, quần áo để biếu ông bà tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán. Tôi nhận thấy các mặt hàng đồ lễ năm nay rất phong phú, đa dạng. Giá cả thì có cao hơn 1 chút so với năm ngoái nhưng cũng phù hợp với chất lượng hàng hóa.

 

Điều dễ dàng nhận thấy, dù thị trường hàng mã rất phong phú và đa dạng nhưng đa phần người tiêu dùng đang dần có xu hướng mua sắm đồ lễ với giá cả bình dân, sao cho đỡ lãng phí nhất nhưng vẫn đảm bảo đủ các nghi lễ. Ngoài vàng mã cúng ngày Tết ông Công, ông Táo tại các cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn T.P Thái Nguyên còn bày bán nhiều món đồ trang trí trong ngày Tết cổ truyền như phong bao lì xì, câu đối Tết, đèn trang trí, đèn lồng màu đỏ, tạo nên không khí mùa Xuân đang tràn ngập phố phường.

 

Không chỉ chứa đựng nhiều ý nghĩa về văn hóa và tâm linh, ngày lễ 23 tháng Chạp hằng năm còn trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của người Việt. Bởi, đây cũng là dịp để những người con đang công tác ở phương xa tạm gác những công việc để trở về bên mái ấm gia đình, cùng nhau tiễn ông Táo về trời và quây quần bên mâm cơm sum họp, chờ đón một năm mới bình an, ngập tràn hạnh phúc. Anh Nguyễn Văn Hưng, ở tổ 7, phường Phan Đình Phùng thì cho biết: Quanh năm bận rộn với cuộc sống mưu sinh, ngày ông Táo về chầu trời, tôi cũng thu xếp công việc để về cùng vợ con dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, làm mâm cơm cúng với mong muốn con cái ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình hòa thuận, ấm êm.

 

Những ngày này, nhà nào cũng sắm sửa mâm lễ để tiễn ông Táo về chầu trời, do vậy lượng vàng mã được tiêu thụ cũng rất lớn. Các gia đình không nên quá cầu kỳ trong việc mua và đốt vàng mã nhằm tránh tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, người dân cũng cần quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, nhất là tại các tòa chung cư, khu tập thể cũ. Ngoài ra, cũng cần nâng cao ý thức trong việc thả cá chép phóng sinh, không thả rác, túi nilon ra đường, bờ sông nhằm giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.