Lần đầu tiên toàn bộ 18 bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 10-1-2017 đến hết tháng 5-2017.
Thông tin trên được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết tại họp báo ngày 10/1 công bố trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam”.
Trưng bày sẽ giới thiệu tới công chúng 18 hiện vật là bảo vật quốc gia trong tổng số hơn 200.000 tài liệu, hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Trưng bày sẽ giới thiệu một cách khái quát về những Bảo vật từ thời văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000 năm, thời đại của văn minh Đại Việt qua các triều đại phong kiến cho đến khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trưng bày các tài liệu khoa học liên quan đến các bảo vật như: Bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa…; ứng dụng công nghệ hiện đại trong trình chiếu, góp phần làm nổi bật hình ảnh, tôn vinh giá trị của từng bảo vật quốc gia.
Trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn.
Các bảo vật quốc gia được trưng bày gồm: Trống đồng Ngọc Lũ thuộc văn hoá Đông Sơn, cách nay khoảng 2.000-2.500 năm; trống đồng Hoàng Hạ thuộc văn hóa Đông Sơn; thạp đồng Đào Thịnh thuộc văn hóa Đông Sơn; tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn bằng đồng thuộc hệ thống tượng tròn Đông Sơn; cây đèn bằng đồng hình người mình trần đóng khố tư thế quỳ, đầu gắn vương miện, tóc để chỏm, hai tay nâng đĩa đèn, thuộc văn hóa Đông Sơn; mộ thuyền Việt Khê, thuộc văn hóa Đông Sơn, bằng thân cây khoét rỗng, kích thước lớn nhất trong số những mộ thuyền đã phát hiện ở Việt Nam, trong chứa 109 đồ tùy táng chủ yếu bằng đồng; ấn đồng "Môn hạ sảnh" thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377); chuông chùa Vân Bản, thời Trần, chiếc chuông cổ nhất, đồng thời có kích thước lớn nhất, uy nghi nhất của nền văn minh Đại Việt; thống gốm hoa nâu thế kỷ XIII-XIV, triều Trần; bình gốm hoa lam vẽ thiên nga thời Lê Sơ, thế kỷ XV; bia điện Nam Giao - niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, đời vua Lê Hy Tông - 1679; ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo"; trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn (1800); ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827); bia Võ Cạnh, thuộc văn hóa Champa, tấm bia cổ nhất Đông Nam Á, 3 mặt khắc chữ Sanskrit; sách Đường Kách mệnh; sách Nhật ký trong tù; bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đón nhận mô hình hiện vật pháo do nhân dân làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) chế tác hiến tặng. Pháo làm bằng gỗ, đường kính 1,2 m; dài 5,75 m; cao 3,47 m, được trang trí tứ linh, chạm khắc tinh xảo, sơn son, thếp vàng. Đây là mô hình di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội làng Đồng Kỵ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương…