Cây cảnh đã về giá trị thực

15:19, 07/02/2017

Những ngày đầu Xuân mới, “làng sinh vật cảnh” đã bắt đầu khởi động. Những hộ làm cây cảnh ở T.P Thái Nguyên tất bật, bận rộn với công việc mua, gom cây, tỉa cành, sửa rễ và xuống cây trong vườn nhà, chuẩn bị cho mùa Tết tới. Gặp chúng tôi, ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cây xanh Hải Hưng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên chia sẻ: Từ 3 năm gần đây, cây cảnh đã về giá trị thực, tức là việc bán - mua hoặc cho thuê cây với giá thực, chứ không ảo giá như nhiều năm về trước.

Hiện Hội Sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên có 885 hội viên, với nhiều lĩnh vực khác nhau, như chuyên về cây cảnh nghệ thuật; chuyên lan rừng, chim; gỗ lũa và trồng đào, mai, quất, bưởi... Ông Nguyễn Văn Đông, phường Cam Giá, hộ có hơn 1.000 gốc đào cho biết: Đời sống kinh tế của người dân đi lên, thì người chơi sinh vật cảnh, trong đó có nghề trồng đào mới sống khỏe. Chuyện thu nhập, ông Nguyễn Văn Phương, cùng ở phường Cam Giá cho biết thêm: Từ làm cây cảnh, nhiều gia đình đạt thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm… Còn toàn Hội Sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên, năm 2016, đạt tổng doanh thu hơn 30 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2011.

 

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây trước nhà, nhìn từng bồn, chậu với các thế cây Long thăng, Long giáng, Phu thê, Huynh đệ, mẫu tử và những giò phong lan, bà Đỗ Thị Liên, phường Túc Duyên cho biết: Trước đây, hầu hết cây cảnh được xuất bán ra nước ngoài, nên giá cả không thực, bởi các tư thương được phép xuất khẩu cây xanh tranh mua, tranh bán. Có khi 1 cây cảnh bình thường có giá bán khoảng 30 triệu đồng, nhưng bị đội giá lên cả trăm triệu đồng. Tệ hại nhất là có trường hợp tư thương đến nhà trả giá rất cao, rồi bỏ đó chẳng bao giờ quay lại. Còn chủ vườn dài cổ đợi và thất vọng.

 

Đã có không ít nhà đầu tư bại sản vì cây cảnh. Nhưng cũng có nhiều người “làm nên cơm cháo” nhờ chơi cây cảnh. Điển hình như ông Bùi Văn Tuấn, xóm Gò Móc (Quyết Thắng), năm 2011 bán được cặp cây xanh, dáng Long, với giá hơn 1 tỷ đồng. Gần đây nhất, năm 2016, ông Nguyễn Hồng Quang, phường Phú Xá, có cây hoa hồng cổ gần trăm năm tuổi được khách đến mua, trả với giá gần 60 triệu đồng. Chuyện bán, mua và chơi sinh vật cảnh, ông Đặng Minh Thảo, nghệ nhân sinh vật cảnh ở phường Trưng Vương tâm đắc: Cây cảnh là thứ tài sản vô giá, với người này chỉ là khúc cây, nhưng với người khác lại có giá bạc tỷ. Vì thế, người kinh doanh cây cảnh phải nắm bắt được thị trường, biết bỏ vốn đầu tư đúng thời điểm thì cầm chắc phần thắng.

 

Trở lại Công ty TNHH Một thành viên cây xanh Hải Hưng, ông Hải bộc bạch: Tôi mới bước vào “làng sinh vật cảnh” Thái Nguyên từ hơn 10 năm gần đây. Từ số vốn 10 tỷ đồng, tôi thuê mượn được hơn 2ha đất để mua, gom cây nghệ thuật về trồng, chăm sóc, tạo dáng, thế. Cũng như nhiều người chơi sinh vật cảnh khác, có lúc ký được hợp đồng bạc tỷ, rồi cũng lận đận, lao đao vì ế ẩm. Song không nản, tôi bình tĩnh quan sát thị trường, tự chiêm nghiệm, đúc kết và xử lý công việc. Từ 3 năm gần đây, tôi ký được ít nhất 10 hợp đồng kinh tế trở lên/năm, đạt doanh thu cả năm hơn 5 tỷ đồng.

 

Cũng từ 3 năm gần đây, người chơi sinh vật cảnh Thái Nguyên có sự linh hoạt hơn trong cung cấp cây cảnh cho thị trường, chủ yếu là thị trường nội địa, với các sản phẩm cơ bản như: Cây bóng mát, cây dáng thế. Cây to thì bằng cả người ôm; cây nhỏ thì trồng trong chậu sành, có khi được trồng trong cái âu liễn nhỏ xinh xắn đặt trên bàn trà. Một điểm mới là những năm gần đây, “làng sinh vật cảnh” Thái Nguyên không chỉ cung ứng cho thị trường trong, ngoài tỉnh các sản phẩm cây xanh bóng mát, cây cảnh nghệ thuật, mà còn chủ động cung ứng cho thị trường một số sản phẩm mới, như cỏ dải thảm sân, vườn và một số loại cây hoa cổ.

 

Chỗ đứng quan trọng nhất đối với cây xanh, cây cảnh là giữa người trồng và người chơi đã tìm được một điểm chung: Không chạy theo hình thức, mà đi sâu vào chất lượng cây. Cũng vì thế, nhiều nghệ nhân đã sống khỏe nhờ bán được sản phẩm. Phía người chơi cũng mãn nhãn, thỏa lòng quân tử nên chẳng nề hà chuyện đắt, rẻ.