Duy Sơn với niềm đau muôn thuở

15:57, 17/02/2017

Họa sĩ Duy Sơn sinh ngày 20-11-1958. Ông là người đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên có tranh biếm họa dự triển lãm toàn quốc năm 1994. Ông có 4 lần tổ chức triển lãm tranh cá nhân ở thể loại biếm họa: Lần 1 năm 1993, lần 2 năm 1999, lần 3 năm 2010, lần 4 là năm 2016. Tranh ông gai góc, sâu cay, xem cười ra nước mắt, được nhiều cấp, ngành trao giải Nhất, Nhì tại các cuộc thi.

Mấy mươi năm gầm ghì với hội họa, lặng lẽ tỏa sáng trong lòng bè bạn, rồi bất chợt vắng bóng. Có người bảo ông về nghỉ hưu, sống nhàn tản với đàn con, cháu. Có người bảo ông mắc bệnh hiểm, đang nằm điều trị tại nhà. Rồi ông xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật, mang trình làng 62 tác phẩm nghệ thuật hội họa với chủ đề “Bên cuộc đời tôi”.

 

Vẫn cái vóc người nhiều xương, ít thịt và vẻ mặt đăm chiêu mang niềm đau muôn thuở, họa sĩ Duy Sơn cười hiền khô khi chúng tôi “kiểm chứng” những thông tin liên quan đến ông. Ông từ tốn, bảo: Đều đúng cả… Té rằng, năm 2014, ông hoàn thành nhiệm vụ của một công chức, về nghỉ chế độ Nhà nước quy định. Cũng thời gian này, ông rơi vào cảnh đau ốm triền miên, chạy chữa đủ 3 tuyến viện. Những tưởng khó qua, vậy mà giời thương, chưa bắt tội.

 

Ông là người con thứ 10 (con út) trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Chợ Chu (Định Hóa). Từ lúc đầu để chỏm, ông đã bộc lộ được năng khiếu nghệ thuật hội họa, thích vẽ tranh tả thực về phong cảnh thiên nhiên, về cuộc sống lao động hằng ngày ông nhìn thấy. Suốt thời cắp sách đến trường, ông đã vẽ như một kẻ khát nước lâu ngày gặp dòng khe. Vì thế ông có mặt ở đâu, ở chỗ đó có tác phẩm “bôi” trên tường, trên nền nhà và cả trên nền đất cát. Tuổi thơ của ông không có gì đọng lại ngoài câu chuyện bị cô giáo mắng vì tội làm bôi sĩ.

 

18 tuổi (1976), ông theo học Trường Sư phạm 10+2 Bắc Kạn. Hằng ngày, ông lặng lẽ rời ký túc xá khi bạn bè còn đang ngủ để đến giảng đường, nhưng không phải học bài, mà để thỏa mãn cơn nghiền vẽ. Sinh thời bao cấp, mọi thứ đều thiếu, nên ông thực hiện tác phẩm của mình lên mặt bàn, ghế của lớp học. Thấy ông âm thầm vẽ vời, có người bảo đó là hành vi bôi bẩn bàn, ghế. Nhưng cũng có thầy, có bạn phát hiện ra ông, một tài năng hội họa, nên vận động ông tham gia vào tổ viết, vẽ báo tường của lớp. Nhờ thế, ông có một sân chơi nghệ thuật nho nhỏ, nhưng công khai.

 

Ông kể: Ngay tờ báo tường đầu tiên do tôi trình bày, bạn bè cùng Trường nức nở khen. Các nữ sinh thích thêu khăn tay, vỏ gối tặng bạn, mỗi tối lại rủ nhau đến phòng, nhờ tôi vẽ phôi lên vuông vải phin trắng tinh. Vẽ phôi thêu chủ yếu là hình đôi chim câu, hình trái tim hoặc một nhành hoa. Nhiều nữ sinh khác nhờ vẽ vào sổ tay, chủ yếu vẽ chữ “Lưu niệm”, “Kỷ niệm”, “Nhớ mãi”…  và vẽ hoa hồng đỏ, hoa violet tím.

 

Năm 1979, ông tốt nghiệp, trở về quê làm anh giáo. Rồi được điều động về Phòng Giáo dục huyện Phú Lương công tác. Nhưng làm anh giáo hay làm cán bộ của Phòng Giáo dục huyện, thì cái chất họa trong ông giống như ngọn lửa, cháy âm ỉ trong lòng, mỗi lần có cơ hội là bùng lên, cháy rực rỡ bằng từng tác phẩm hội họa. Cũng bởi thích vẽ hơn thích làm nghề gõ đầu trẻ, nên ông được cơ quan tổ chức điều động về Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương công tác. Ông bảo: Đúng sở trường, sở đoản, nên những sản phẩm tranh cổ động, khẩu hiệu, pa nô, tranh biếm họa, tranh đả kích do tôi thực hiện luôn có hồn, thu hút được sự chú ý của nhiều người xem.

 

Là người hay đi, hay nghĩ, lại có cách sống thẳng băng, nên ông rất căm ghét những thói hư, tật xấu ở đời. Đây là lý do để ông đi sâu vào lĩnh vực vẽ tranh biếm họa. Ông vẽ nhiều như để trả nợ cuộc đời, và để thỏa mãn sở thích. Ông vẽ bất cứ lúc nào có ý tưởng nảy ra, thậm chí nửa đêm, chui ra khỏi chăn, bước đến giá vẽ, cầm bút phóng tác. Cũng nhiều khi vẽ xong, xem lại, không thích, vò giấy ném ra sàn nhà. Sớm ngày sau, vợ con cặm cụi dọn dẹp mà không một lời ta thán.

 

Để thực hiện được các tác phẩm tranh của mình, ông lặng lẽ quan sát, nghiền ngẫm, đúc kết. Ông vẽ nhiều, nhưng không coi trọng số lượng tranh vẽ ra, mà quan trọng là gửi gắm vào đó một điều gì. Có thể thông qua một bức tranh đơn lẻ, hoặc câu chuyện hài thông qua một chùm tranh. Dù vẽ nhanh, vẽ chậm, vẽ đậm hay vẽ nhạt đều phải có hồn cốt, gợi mở cho người xem một điều gì đó, có thể là sự châm biếm, nụ cười trào phúng, chua cay, như thế mới góp phần đả kích, lên án những hiện tượng xấu trong xã hội. Ông bảo: Tiếng cười châm biếm, phê bình giúp người xem tranh tự nhận thấy tật xấu của mình mà sửa chữa, sống tốt hơn.

 

Nhiều người xem tranh ông vẽ, bảo: “Một tranh vẽ hơn cả ngàn lời nói”. Ông thầm cảm tạ, song thấy trách nhiệm của mình với xã hội càng nặng nề hơn. Nên “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, câu nói người xưa để lại vận vào cuộc đời ông. Bởi tranh ông vẽ chẳng chừa đối tượng nào trong xã hội, kể từ anh nát rượu, cờ bạc, lô đề đến những “ông quan” công sở ngu dốt, hách dịch… Tất cả đều mang lại tiếng cười thư giãn, nhưng cũng có lúc ông gặp phiền toái vì một ai đó tự nhận mình là nhân vật chính trong tranh.

 

Kệ thói đời đen bạc, ông vẫn lặng lẽ dâng hiến cuộc đời mình cho lao động nghệ thuật. Cũng bởi thế, ông có một khối lượng tài sản vô giá - đó là hàng trăm tác phẩm tranh phê bình độc đáo, không trùng lặp với bất cứ danh họa tài ba nào. Mỗi bức họa của ông đều mang tính nghệ thuật cao, gợi mở cho người xem nhìn thấy ở phía sau nét vẽ một chua cay, sâu sắc, thậm chí là sự mất mát, lãng quên cần được chỉnh sửa, khôi phục, bảo tồn, đặc biệt là các tác phẩm được thực hiện bằng chất liệu bi nước do ông sáng tác trong những năm gần đây, như: “Dân tộc Sán Chay”; “Tập điệu Tồ kén Thoong”; “Cây cảnh”… Đặc biệt, tác phẩm “Cây đàn bị hỏng” - tranh vẽ có người cha ôm cây đàn hỏng, nhưng người xem nhìn thấu ở phía sau, có người con trai đang nhìn ra khung trời ngoài cửa sổ...

 

Sâu sắc hơn cả ngàn lời nói. Họa sĩ Duy Sơn là thế, cứ lặng lẽ vẽ lên tiếng cười đau muôn thuở, với một ước mơ hết sức nhân văn: Cười hướng đến mục đích phê bình, để giáo dục, phấn đấu và cải thiện tốt hơn lối sống văn minh của thời mở cửa.