Nhìn trên bản đồ hành chính tỉnh Thái Nguyên: Xã Bảo Linh (Định Hoá) giống gò núi lớn vượt trội trên bình địa, thành “ngã ba ranh giới” giữa các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Người dân ở đây tự hào, khi một câu ví được cất lên, người ba tỉnh “cùng nghe và đối lại”.
Lượn cọi có các làn điệu: Lượn Slương và lượn Nàng ới. Lượn cọi được lưu truyền qua hàng nghìn đời nay, và trở thành hồn cốt, một nét đẹp văn hoá tinh thần trong đời sống của cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc nói chung, của người dân Bảo Linh nói riêng. |
Ông Hoàng Văn Tập, cán bộ văn hóa xã, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa nghệ thuật xã Bảo Linh tâm đắc: Bà con ở các xã Tùng Lợi, Trung Minh (Na Hang - Tuyên Quang); Bình Trung (Chợ Đồn - Bắc Kạn) vẫn thường hát đối ví với người của Bảo Linh. Có những cuộc đối ví kéo dài cả tuần chưa muốn ngừng. Cũng từ đối ví, nhiều trai gái nên duyên chồng vợ.
Khi trò chuyện với chúng tôi về lượn cọi, ông Tập say sưa như muốn chắt gạn từ đáy lòng mình lời tâm huyết. Chúng tôi biết: Vì cuộc sống lam lũ, đã có lúc lời lượn cọi ít được cất lên trên môi trai, gái của làng. Nhưng từ nhiều năm gần đây, lời lượn cọi đang được khôi phục, bảo tồn, phát huy trong đời sống tinh thần của người dân Bảo Linh. Ông Nguyễn Văn Chu, nghệ nhân bị mù đôi mắt nhưng hát lời lượn cọi trong trẻo, được nhân dân trong vùng nể mến. Ông bảo: Có dạo, lớp trẻ ở xã thích nhảy disco, hiphop, hát tân nhạc, nhưng gần 10 năm nay, họ động viên nhau tập hát lượn cọi để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông dừng lời, cây đàn tính trong tay như vỡ òa khúc nhạc nền dạo đầu cho câu hát. Đã hơn 50 năm nay, người dân ở vùng đất ranh giới ba tỉnh này đã quen thuộc với tiếng đàn tính, tiếng sáo trúc và lời ví của ông. Lúc như chất men của rừng, khi mềm như dòng suối, có lúc lại đằm ngọt như lời mẹ ru. Cũng bởi thế, năm 2010, CLB văn nghệ của xã được thành lập, “người ta” nghĩ ngay đến người nghệ sĩ mù, và ông là một trong 30 thành viên đầu tiên của CLB.
Sau khi thành lập, CLB Văn hóa nghệ thuật xã Bảo Linh khuyến khích các thành viên tập hát, sáng tác, sưu tầm các bài hát của dân tộc Tày và các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Cũng lúc này, người dân Bảo Linh giật mình vì có nhiều con, cháu bị quên nói tiếng cha mẹ đẻ. Ông Tập tâm sự: Khó trong lượn cọi là nhiều từ cổ mình chưa được nghe, chưa từng tập luyện âm, mà hầu hết lượn cọi đều dựa trên làn điệu của các bài hát cổ như giao duyên, lễ hội và mừng xuân để sáng tác bài mới. Ca từ của bài lượn cọi mới không phải là Tày - Nùng cổ, nhưng hát theo lời cổ. Nhiều từ khó, anh chị em phải ngồi suy nghĩ, định hình lại xem có đúng không rồi mới dám hát.
Luyện tập nhiều rồi cũng nhuần, ai nấy vui như Tết, đi nương, đi ruộng cũng tập hát. Vui nhất là khi ở xóm có đám cưới, từng nhóm trai, gái mượn lời lượn cọi ngân nga thâu đêm, suốt sáng. Khi có vốn liếng lượn cọi kha khá, các thành viên CLB mạnh dạn mang giao lưu với các xã trong huyện, và các xã lân cận bên tỉnh bạn. Ông Lương Văn Cảnh, thành viên CLB cho biết: Lượn cọi là hát giao duyên dành cho những người chưa lập gia đình. Nhưng CLB không chỉ có thanh niên, mà cả những người già tham gia. Ai cũng chăm chỉ tập luyện, vì đây là cơ hội khôi phục lại một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân dân tộc Tày, Nùng chúng tôi. Ông dừng lời, mắt nhìn vào khoảng rừng xa xăm, mở câu ví:
“Pỉ pết noọng thua cẩu cằn tả
Hết quên bấu pấn công pỉ tẻo…”.
Tạm dịch: “Anh chia tay em ở đầu cầu bên suối
Thương nhau không được anh đành quay về…”.
Khi được hỏi về CLB, bà Nguyễn Thị Hồi, thành viên CLB kể: Trong CLB, người cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Chu, 64 tuổi; người trẻ nhất là cháu Hà Thị Thùy, 18 tuổi. Các thành viên CLB chủ yếu người xóm A Nhì 1, A Nhì 2, Bản Thoi, Lải Chàn… của xã. Trong CLB còn có 2 thế hệ trong 1 nhà cùng tham gia, như gia đình anh Tập có 2 bố con; nhà chị Ma Thị Thoi có 2 mẹ con. Đặc biệt trong CLB còn có 2 người dân tôc Dao, đó là chị Bàn Thị Lan và chị Lý Thị Thắng. Các chị đều là những người mê lượn cọi nên được kết nạp vào CLB.
Điều quan trọng là các thành viên trong CLB đều là người yêu văn nghệ, nên dù cuộc sống bận rộn với chuyện áo, cơm, song ai nấy đều tự hào mình là một trong những người đang gìn giữ, lưu truyền một nét đẹp bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Ông Nguyễn Văn Chu tự hào: Trên nền bài lượn cọi cổ, tôi đã sáng tác được một số bài hát mới, song tâm đắc và có nhiều người hát nhất là bài: “Lịch sử ATK” và “Điện về bản”.
Tiếng tính, tiếng sáo lại cất lên cùng câu lượn cọi, cho gió đại ngàn mang câu ví đến với người bên Bắc Kạn, Tuyên Quang. Hát rằng:
“Boóc hởi hung nưa kéo giá lởi
Pỉ kết nguộc táng nơi pền lạng…”.
Tạm dịch:
Bông hoa đẹp nở trên đỉnh đèo xin đừng phai tàn
Anh thương em rồi nhưng hai ta mỗi người một nơi…”.
Từng lời, từng ý mộc mạc mà đằm thắm, làm mê hoặc bao người nghe. Nhưng vì “… hai ta mỗi người một nơi”, nên tôi đành xin hẹn ngày trở lại, nghe làn điệu Slương, Nàng ới của lượn cọi mà thêm mến cảm người ở vùng đất, khi câu hát cất lên, người ba tỉnh cùng được trải lòng.