Bên bếp lửa sàn, lời then nhấn nhá, rổn rảng, hối thúc. Từng lời, từng tiếng như chắt gạn tinh hoa trời đất, đọng lại thành câu then, thả vào giọt đàn tính. Cái chất men rừng ấy được ví như cơm, áo - bởi “nó” nuôi dưỡng, gìn giữ những tinh hoa của một dân tộc. Ông Nông Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Định Hoá mở đầu câu chuyện với chúng tôi về hát then.
Với tay lấy cây đàn tính treo vách nhà, ông ôm vào lòng, so dây, nắn phím, để một chốc nín lặng đã chợt đầy nhà lời then, tiếng tính. Bữa tiệc then được bắt đầu bằng tất cả những hồn nhiên của chủ và khách. Bữa tiệc tinh thần ấy có chất men say kỳ lạ, cứ từng giọt bên tai, thấm vào, đọng lại, dìu tôi về mường Then.
Dù đã nhiều lần theo ông Hoàng Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh dự Lẩu then, nhưng lần nào cũng thấy “ngon tai”. Vì chất liệu cho Lẩu then được kết tinh những đặc sắc, tinh túy của nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo. Ví như tổ khúc: “Khửn tàng pây cầu an” (Lên mường trời cầu bình an cho gia đình và làng bản). Khửn tàng pây cầu an” là then cổ, gồm 10 chương: “Páo pháp páo slay” (Trình tấu đức Phật, thần linh, các thánh được làm lễ); “Thái vế” (Giải uế, làm sạch đàn trang cho cuộc lễ); “Khảm lệ” (Múa chầu kiểm tra lễ vật trước khi lên đường); “Pây tàng” (Đoàn quân Then lên đường); “Khảm hải” (Vượt sông Ngân Hà); “Khẩu tu va” (Vào cửa đức vua); “Nộp lệ” (Nộp lễ vật); “Ký slư lồng đang” (Phán truyền cầu phúc); “Tán đàn, tán lệ” (Múa chầu tán đàn, tán lễ) và “Hồi binh, khao mạ” (Khao quân binh). Từ cuộc sống đời thường, Lẩu then được nghệ thuật hóa, lên sâu khấu, rồi từ nhiều năm gần đây, các nghệ nhân hát then Thái Nguyên mang Lẩu then “đãi” nhân dân, du khách tại các liên hoan toàn quốc, khu vực, lần nào cũng mang về các huy chương Vàng, Bạc Đồng.
Nghệ nhân hát Then Hoàng Thị Đời (Phượng Tiến, Định Hoá) cho biết: Lời then cũng có đường, có luật. Chưa biết thì thấy lạ, thấy thích nên tò mò muốn tìm hiểu. Khi ngón tay biết nhấn nhả sợi, phím; miệng biết ngân câu hát thì mê mẩn, dù bận mấy thì mỗi ngày cũng dành chút thời gian để đàn, hát, giống người ta cần cơm ăn, áo mặc. Còn nghệ nhân hát then Hoàng Văn Khánh (Dân Tiến, Võ Nhai) chia sẻ: Từ lúc nằm nôi bố mẹ đã ru tôi bằng câu hát then. Lời then, tiếng tính là thứ cơm gạo đặc biệt nuôi tâm hồn tôi khôn lớn. Vậy nhưng mãi sau này tôi mới nhận thức được những tinh túy mà chất phác, những hồn hậu mà cao siêu của ca từ then, và âm sắc thanh tao của cây đàn tính. Vì thế tôi chuyên tâm hơn với cây đàn, câu hát, với mong ước được cùng các nghệ nhân của làng then gìn giữ, phát huy một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Từ xưa các bậc hiền nhân đã dạy: Cách tốt nhất để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc là thông qua hình thức sinh hoạt văn nghệ… Mọi dân tộc trên thế giới cũng đều làm như vậy. Và người dân tộc Tày Thái Nguyên cũng làm như vậy. Nên hầu hết các nghệ nhân hát then, đàn tính đều được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát then. Nghệ nhân hát then Ma Đình Sung (Định Biên, Định Hoá) là một minh chứng. Ông kể: Từ thuở bé đã thấy ông nội thường ngồi bên cửa sổ nhà sàn hát then. Không chỉ hát then hay, ông còn là một người có đôi bàn tay khéo léo, đôi tai thẩm âm tuyệt kỹ để làm nên cây đàn tính, tặng cho người hát then trong vùng. Tôi là thế hệ con, cháu của dòng họ Ma Đình ở Thái Nguyên nối được nghiệp làm đàn tính, hát then của các cụ.
Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Ông Sung đã có hàng trăm cây đàn tính bán, tặng cho người mê then. Nhưng trong số hàng trăm cây đàn tính chỉ có ít cây đàn đạt độ chuẩn về âm sắc, còn lại chủ yếu dùng làm đạo cụ biểu diễn văn nghệ, hoặc du khách trong, ngoài nước mua làm kỷ niệm. Ông Ma Đình Chơi, người cùng xóm cho biết: Ở địa phương, ông Sung là người hát then đạt giọng chuẩn nhất. Nên ông được mời tham gia nhiều hội diễn, và một số tỉnh cử người đến nhà mời ông đi truyền dạy hát then, chơi đàn tính. Từ gần 5 năm nay, ngôi nhà của ông là địa chỉ gặp gỡ của những người yêu thích câu then, tiếng tính.
Theo ông Lý Quang Hợp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hátThen huyện Định Hoá: Then có hai loại, then cổ và then mới. Then cổ khó học, khó hát hơn. Vì then cổ thường được sự dụng trong các nghi lễ, như lễ cúng mụ sinh, lễ mừng thọ, dựng nhà, lấy vợ, gả chồng và khi chết, nên người làm được Lẩu then thường là người có phẩm hàm cao (thày cúng cao tay), có uy tín trong cộng động người Tày mới thực hiện được. Cũng vì vậy mà những người làm được Lẩu then được mọi người trong cộng đồng nề trọng. Còn then mới được sáng tác cơ bản dựa trên nguyên lý căn bản vần điệu cổ, ca từ mới, dễ nhớ, dễ hát và có phần sôi động hơn vì thu được nhiều người cùng tham gia.
Trong làng then Thái Nguyên, một trong những “đại thụ” được mọi người biết đến nhiều nhất là Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Bích Hồng (Câu lạc bộ hát then, đàn tính tỉnh). Bà là người gốc Cao Bằng. Bà được tuyển vào Đoàn Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc năm 13 tuổi. Bà mang tiếng tính, câu then đi phục vụ đồng bào các dân tộc Việt Bắc cho đến ngày nghỉ hưu. Nhưng vì câu then, tiếng tính ngấm vào huyết quản, ngay khi xa rời ánh đèn sân khấu, bà tiếp tục tỏ mặt bên “ánh đèn dầu” vì phải hằng ngày đến các câu lạc bộ dạy hát then. Bà cho biết: Lời then, tiếng tính đằm thắm lòng người, thế nhưng mất một thời gian khá dài câu then bị mai một, nhiều người thuộc lớp trẻ thích nhạc vàng, nhạc đỏ, tân nhạc. Các cụ bảo: “Cả thèm, chóng chán”, nhiều bạn trẻ bắt đầu tìm lại câu hát, tiếng đàn tính của dân tộc mình. Có mặt ở đó, bà Nông Thúy Quỳnh (Trưng Vương, T.P Thái Nguyên) cho biết: Ở thành phố, tôi được tiếp cận với nhiều dòng nhạc trong nước và nước ngoài, nhưng lúc nào cũng thấy “đói văn hóa”. Vì cái “món ngon” là đàn tính, hát then trước đây ít lắm, chứ không được mùa như bây giờ.
Bà Quỳnh là thành viên Câu lạc bộ hát then, đàn tính tỉnh. Bà mới học hát then, tập từng ngón đàn từ cách đây gần mươi năm về trước. Vì chịu khổ luyện, nên bà mau chóng nắm bắt được một số kỹ năng cơ bản về đường then và âm luật của cây đàn tính… Bà ôm cây đàn tính vào lòng, đôi mắt mơ màng để tiếng tính, lời then nền nẩy. Từng câu hát thả vào giọt đàn tạo nên một âm thanh đầy cảm xúc, đưa người nghe về miền cảm khoái, mơ hồ ở nhiều cung bậc khác nhau. Lúc như đưa ta vào cửa trời (giai điệu Khẩu tu), lúc như đang đi ngựa (Pây mạ), khi thấy mình lạc vào rừng ve (Đông mèng đông quảng)…
Và tôi đang lắng nghe từng vần điệu then và lời tính, thấy mộc mạc, gần gũi và dễ làm mê lòng người. Mà đã mê rồi là nhớ - nhớ như lúc người ta đói cần được ăn cơm; khi rét cần được mặc áo ấm.