Cách mạng Tháng Tám đem lại cuộc đổi đời lịch sử cho dân tộc Việt Nam, đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những thế hệ người Việt Nam mới.
Trong đó có một thế hệ đón nhận cách mạng ở lứa tuổi 20, với sức trẻ và nhiệt huyết của tuổi thanh niên, đã tham gia khởi nghĩa và xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, đã gia nhập đội quân với "thuốc súng kém, chân đi không" để " đem thân liều cho Nước" trong những ngày đầu chống thực dân Pháp và sau đó trải qua những năm tháng ác liệt trên chiến trường chống Mỹ, cứu nước, có mặt ở chiến trường các nước bạn Lào, Cam-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế.
Trong cuộc trường chinh oanh liệt ấy, nhiều người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống và cũng qua cuộc tôi luyện ấy, có những người đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp, thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Ðồng chí Hà Vi Tùng là một người thuộc thế hệ đặc biệt ấy!"
Ðó là lời của Ðại tướng Nguyễn Quyết - nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam ở phần mở đầu của tập sách Một người lính Nam tiến của Nhà xuất bản Văn học, một ấn phẩm vừa ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam (22-12) và Ngày hội quốc phòng toàn dân.
Sách bao gồm hai phần, phần 1 là những hồi ức của Thiếu tướng Hà Vi Tùng trên những nẻo đường chiến dịch, từ buổi đầu mới tuổi 20 theo lời kêu gọi "Sơn hà nguy biến" lên tàu cùng hàng nghìn thanh niên miền bắc thực hiện cuộc nam tiến vào chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ trong những ngày đầu bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến trong các cương vị, từ người lính đến một sĩ quan chỉ huy cao cấp của quân đội, rồi đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 trên cương vị Tham mưu trưởng Quân khu 1. Phần 2 bao gồm những bài viết xúc động của những đồng đội, đồng chí, của những chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của ông, một vị tướng mà như đánh giá của Ðại tướng Nguyễn Quyết: "Suốt cuộc đời quân ngũ, làm việc gì, trên cương vị nào, đồng chí cũng dũng cảm, kiên quyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đánh giặc giỏi, xây dựng đơn vị, huấn luyện bộ đội giỏi, được đồng đội tin yêu, kẻ địch nể sợ".
Tập sách chỉ bao gồm gần 300 trang, nhưng mỗi hàng chữ, một trang viết đều nổi bật hình ảnh của một người lính suốt cuộc đời đã nguyện hiến dâng cho Tổ quốc. Gần như đâu là chiến trường nóng bỏng thì đấy là nơi ông có mặt. Từ 101 ngày đêm chiến đấu ở Nha Trang buổi đầu đánh Pháp, từ những trận đánh ác liệt trên các chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, từ những trận địa nóng bỏng đôi bờ Hiền Lương ngày đất nước chia cắt sau năm 1954, cho đến những chiến dịch lần đầu đánh và thắng Mỹ vang dội ở Plây-me, Ia Ðrăng... khi quân đội ta giáp mặt quân đội Mỹ trên chiến trường ở cấp sư đoàn tại mặt trận Tây Nguyên.
Qua những trang viết về "người anh Hà Vi Tùng" của một người lính trong quân đội lê dương của thực dân Pháp xâm lược là Kôn-xta Sa-ran-ti-đít đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh và tham gia vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta, bạn đọc thêm hiểu về Hà Vi Tùng, người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 365 - Trung đoàn 803 ở mặt trận Phú Yên - Khánh Hòa khi ấy. Ông viết "Ðối với tôi, anh như người anh lớn trong gia đình... Và từ ấy, tôi đã chiến đấu dưới sự chỉ huy và giúp đỡ của anh". Trong tập sách, có những tâm sự và mong ước của đông đảo các cựu chiến binh làm chúng ta hết sức xúc động.
Với tôi, khi gập lại cuốn sách Một người lính Nam tiến, điều đọng lại không chỉ là những chiến công, những dặm dài chiến dịch của một vị tướng suốt cuộc đời trận mạc, đánh giặc giỏi, lập nhiều chiến công mà còn là hình ảnh một con người dung dị, ân tình, thể hiện qua những dặn dò của ông từ di chúc: "Ðề phòng bố ra đi đột ngột, bố dặn các con: Phải giữ gìn truyền thống gia đình ta. Vợ chồng, anh em, con cái phải yêu thương nhau, nhường nhịn nhau; sống giản dị, thẳng thắn trong sạch, không đua đòi; yêu nước, yêu lý tưởng chủ nghĩa xã hội; quý trọng các chú, các bác là bạn chiến đấu của bố...".
Ôi, tấm lòng của một người lính Bộ đội Cụ Hồ, nhân văn và tình nghĩa xiết bao!