Đầu năm vãn cảnh chùa, nhân đó cầu an, cầu lộc. Một nếp sống đẹp được lưu truyền qua nhiều đời. Nhưng không hẳn ai lên chùa, nghe giảng kinh cũng thấu hiểu sâu sắc đạo lý nhà Phật. Thậm chí có người nhầm lẫn giữa chùa với đền nên mới có chuyện vào chùa lại “lạy Thánh mớ bái” chứ không niệm “Nam mô a di đà Phật”. Và trong lễ vật cung tiến ở chùa, ngoài các món chay còn có vàng mã (tiền vàng).
Sự “nhầm lẫn” ở một số ít người này bởi do có hạn chế nhận thức về giáo lý nhà Phật. Vì chưa phân biệt được khi vào chùa thì lạy Phật; vào đền lạy Thánh, nên cứ hễ vào chùa, đền họ đều chắp tay niệm cả Phật lẫn Thánh. Coi việc khấn như thế, lời nguyện của mình mới thấu được đến nơi cần đến. Vì vậy, “người ta” mang vàng mã cúng giàng, khấn cầu không đúng với quan niệm nhà Phật. Một việc làm phản cảm nơi cửa thiền, đồng thời gây tổn thương cho du khách thập phương về Thái Nguyên vãn cảnh du lịch tâm linh.
Để phật tử, du khách thập phương về vãn cảnh chùa được an bình, bảo đảm thuần phong mỹ tục, không lãng phí, từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã chấp hành Công văn hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Giáo Hội đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã… Để thực tế, chúng tôi có chuyến vãn cảnh xuân, nhân đó khảo sát tại chùa Hang, chùa Huống và chùa Phù Liễn… (tỉnh Thái Nguyên có 180 chùa). Qua đó chúng tôi có cảm nhận trong dịp đầu Mậu Tuất năm 2018, nhiều người dân lên chùa đã không còn áy náy việc mình lên chùa mà không mang tiền vàng để cúng giàng đức Phật. Nhiều người khi được hỏi đều có câu trả lời: Lên chùa là để vãn cảnh, để được thư thái tâm hồn. Nhân đó tìm hiểu về giáo lý nhà Phật. Chứ không phải lên chùa để dâng lễ, công đức rồi để cầu xin bổng lộc. Hơn nữa, đức Phật từ bi luôn phổ độ chúng sinh. “Người” không vì lễ trọng mà ban phước lộc, cũng không vì ai thất lễ mà làm hại.
Tuy nhiên nhiều người dân đi chùa, khi sắm lễ vẫn không quên “món” vàng mã. Một nếp quen cố hữu chứ không phải vì mê tín dị đoan. Việc mang cúng giàng đức Phật vàng mã được nhiều phật tử hiểu biết nhắc nhau không nên làm; hoặc do các vị Tăng Ni trong chùa trực tiếp hướng dẫn cho ai đó “lỡ” mang tiền vàng thì đặt ở bàn thờ Thần linh, Đức ông, Thánh Mẫu chứ không đặt ở bàn thờ Phật, và hóa đốt đúng nơi quy định. Bởi đức Phật không sử dụng đến tiền, nên việc đốt tiền vàng là lãng phí - việc này không nên làm. Nhất là trong cuộc sống thường ngày, ai đó làm việc ác, rồi mang tiền vàng đến chùa dâng tiến, rồi cầu xin xá tội lại càng không nên. Vì đạo Phật có đức tin về luân hồi, nhân quả, nên gieo nhân nào, gặt quả ấy. Vì thế mỗi người cần tự sửa tính, tu tâm, tích đức, năng làm điều thiện thì lòng thảnh thơi, viên mãn.