Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà yêu nước Việt Nam

08:12, 18/05/2018

Tối 17-5, triển lãm về những tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà yêu nước cách mạng Việt Nam được khai mạc tại Trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris. Đây là những tài liệu, hình ảnh lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng ở Pháp.

Những tư liệu, hình ảnh quý giá này được sao chép từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại ở miền nam nước Pháp. Ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch - đặc trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, cho biết, việc tìm kiếm và sưu tầm được tiến hành từ năm 2014. Để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Nhóm người An Nam yêu nước (1919-2019), tiền thân của Hội người Việt Nam yêu nước hiện nay, Hội đã thu được những kết quả quan trọng trong quá trình đi sưu tầm, sao chụp những tài liệu lưu trữ ở Pháp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, giác ngộ và dìu dắt phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp ở thành phố Aix-en-Provence, có hàng trăm tập hồ sơ với nhiều nghìn trang tài liệu lưu trữ về hoạt động của các nhà cách mạng tiền bối như Phan Châu Trinh, Phan Văn, Trường Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền... Rồi tới thế hệ những người yêu nước trong phong trào người Việt ở Pháp được Bác Hồ giác ngộ và sau đó có những có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Việt Nam như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu...

Tài liệu lưu trữ của Pháp có ghi chi tiết về quá trình hoạt động cách mạng của các nhà yêu nước Việt Nam. Trong hành trình ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều quốc gia ở nhiều châu lục trên thế giới song nước Pháp là nơi Người đến nhiều lần và dừng chân vào các khoảng thời gian: 1911-12; 1917-1923 và 1927. Đặc biệt với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “thượng khách” của nước Pháp. Cũng từ đó, thông qua những hoạt động yêu nước, cách mạng của mình, người thanh niên và sau này là Chủ tịch Nước, với dáng người “mảnh khảnh” Nguyễn Ái Quốc đã cùng những con người yêu nước cách mạng Việt Nam để lại trong hệ thống lưu trữ quốc gia Pháp hàng trăm tập hồ sơ với nhiều nghìn trang tài liệu lưu trữ.

Không chỉ có các hồ sơ về các nhà yêu nước cách mạng Việt Nam ở Pháp, những hoạt động đấu tranh trên tất cả các mặt trận để giành lại độc lập và hòa bình ở Việt Nam cũng được lưu trữ rất chi tiết. Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Đó là trang nhất với các tin, bài với tiêu đề "Ngày Độc lập" đăng trên tờ Cứu quốc, số ra ngày 2-9-1945. Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bình... xuất hiện rất nhiều trong hồ sơ của Pháp.

Hồ sơ của Pháp lưu trữ về ngày 2-9 lịch sử.

Trong suốt gần 100 năm tồn tại và phát triển dưới nhiều tên gọi khác nhau, từ "Nhóm An Nam yêu nước" đến "Hội người Việt Nam tại Pháp," ngọn lửa yêu nước kiều bào tại Pháp, do Bác Hồ kính yêu chỉ lối dẫn đường, không bao giờ ngừng cháy sáng. Ông Nguyễn Văn Bổn cho rằng đó là một chặng đường lịch sử đầy tự hào và là động lực để Hội phối hợp Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Trung tâm Văn hóa đi sưu tầm những tư liệu, hình ảnh ở Pháp về những nhà yêu nước cách mạng Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đánh giá cao những nỗ lực sưu tầm tư liệu và giới thiệu của Hội người Việt Nam tại Pháp cũng như Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc, diễn ra vào dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pháp là nơi chứng kiến những hoạt động yêu nước của nhiều tri thức người Việt, những người đã đóng góp nhiều công sức và trí tuệ cho Cách mạng Việt Nam. Đây là những tư liệu rất quý giá đối với lịch sử Việt Nam vì những hình ảnh được trưng bày lần đầu tiên này phản ánh hoạt động của các thế hệ người Việt yêu nước, những người đã góp phần quan trọng vào sự ra đời và phát triển Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cho biết đây là một việc làm thiết thực hướng tới kỷ niệm Ngày sinh của của Bác Hồ kính yêu. Trong nhiều năm qua, có thêm nhiều tài liệu lưu trữ có ý nghĩa lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam được giới thiệu tới công chúng ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhân dịp này, Hội người Việt Nam tại Pháp bàn giao một chiếc máy đánh chữ, giống chiếc hiện được lưu giữ ở Việt Nam, được Chi hội người Việt Nam ở Marseilles gìn giữ rất cẩn thận trong những năm qua. Đây là món quà của một bác công nhân Việt kiều gửi tặng Bác Hồ năm xưa. Tháng 12-1968, khi đó Hội người Việt chưa được phép hoạt động công khai, ông Nguyễn Ngọc Hà đại diện phong trào Việt kiều trở về Việt Nam cùng các bạn Pháp để chuẩn bị tổ chức chuyến đi cho đoàn văn công sang Pháp biểu diễn. Lúc đầu dự kiến mang cả hai máy đánh chữ về, nhưng điều kiện không cho phép nên một chiếc giống như vậy vẫn còn lại ở Pháp. Có một điều đặc biệt là không ai biết tên của bác công nhân người Việt ở Pháp. Theo ông Nguyễn Văn Bổn, lý do có thế là vì Việt kiều chỉ mong sao có dịp được tặng quà cho Bác Hồ kính yêu mà không muốn nêu tên.

Triển lãm kéo dài trong một tuần để công chúng Pháp tìm hiểu về những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà yêu nước Việt Nam, đồng thời giúp các thế hệ người Việt ở đây hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh đầy tự hào của các thế hệ đi trước. Sau thời gian trưng bày ở Pháp, những tư liệu này sẽ được giới thiệu ở Việt Nam.