Duyên nghiệp với hát Then, đàn Tính

17:33, 24/08/2018

Lời bài hát mượt mà, giai điệu ngân nga, luyến láy được hòa quyện giữa câu hát Then với cây đàn Tính mang âm hưởng rộn ràng, thiết tha của núi rừng Việt Bắc đã thôi thúc tôi tìm về với ngọn nguồn của lời bài hát.

Chẳng mấy khó khăn, các anh chị trong Câu lạc bộ (CLB) Điệu khúc Ngũ cung đã giới thiệu cho tôi biết người sáng tác và dàn dựng tiết mục này chính là anh Phạm Văn Quang, hiện đang là giảng viên bộ môn Dân ca, đàn hát Then của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Phó Chủ nhiệm CLB hát Then của tỉnh. Thông qua các anh, chị ở Phòng Văn hóa và Thông tin T.P Thái Nguyên tôi còn biết thêm, anh Phạm Văn Quang còn là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa hát Then, đàn Tính Tày, Nùng; anh vừa gửi hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Năm 1963, cha, mẹ anh từ quê lúa Thái Bình lên bản Phặc, xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn để làm kinh tế theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Khi đó anh chưa tròn tháng tuổi, dù không sinh ra ở đây nhưng tuổi thơ anh lại lớn lên chính cái nôi của làn điệu hát Then, đàn Tính. 

Theo phong tục  của người Tày, nhạc cụ bắt buộc phải có khi cúng Then là đàn Tính và chùm sóc nhạc... Bởi “Then” có nghĩa là “Thiên”, khúc hát Then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của người dương gian gửi tới thánh thần mong được tai qua nạn khỏi, bình an, may mắn. Cây đàn Tính bao giờ cũng được sử dụng trong hát Then để chuyển tải lời cầu nguyện. Lúc nhỏ, khi nghe hát Then, đàn Tính ở nhà bà Then Thanh, ông nằng nặc đòi học. Càng học Then ông càng mê và duyên nghiệp với hát Then, đàn Tính đã theo ông gần suốt cuộc đời.

Nghệ nhân Phạm Văn Quang.

Năm 1973, gia đình chuyển về Phú Lương (Thái Nguyên), ông theo học ở trường Trung cấp Tài chính - Kế toán Chùa Hang (Đồng Hỷ), học xong ông làm công nhân ở Nông trường Chè Sông Cầu (Đồng Hỷ) nhưng cứ ngoài giờ học, rỗi lúc nào là ông lại đi tìm thầy dạy Then để học thêm. Nhiều lần ông lặn lội từ Thái Nguyên đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn để xin các thầy truyền vốn liếng Then cho mình. Hơn 40 năm (từ năm 1973) tìm tòi, ông đã tích cóp được một lưng vốn khá khá. Hiện, ông đang nắm giữ hai dòng then (then cổ và then lời mới) với những làn điệu tiêu biểu, đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng của các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang; làn điệu Sli giang, pụt lằn, xà xá, nàng ới (dân ca Nùng); điệu pụt, hát lượn, phong slư (dân ca Tày). Không chỉ vậy, ông còn sản xuất được cây đàn Tính và có kỹ năng sử dụng đàn tính, chùm sóc nhạc thuần thục.

Năm 1994, ông được Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) mời về giảng dạy bộ môn Dân ca, đàn hát Then. Để hoàn thiện bằng cấp, ông vừa dạy vừa học thêm, năm 1998, ông tiếp tục theo học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và có điều kiện tìm hiểu sâu rộng bộ môn hát Then, đàn Tính. Trong quá trình truyền dạy, ông luôn quan tâm cả hai dòng Then. Để giữ các giai điệu Then cổ, ông đã dùng chất liệu Then cổ để sáng tác đặt lời mới, nội dung phù hợp với giai đoạn hiện tại (ví dụ như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương. đất nước, tình yêu…)  giúp cho người học hứng thú và tiếp thu nhanh hơn. Chỉ tính từ năm 1997 đến nay, ngoài việc tham gia giảng dạy trên lớp học, ông đã đi mở lớp và truyền dạy cho 15 câu lạc bộ, cơ quan, trường học trong và ngoài tỉnh với đủ lứa tuổi, dân tộc và các vùng, miền khác nhau.

Qua truyền dạy, đã có thêm nhiều người mê say với loại hình nghệ thuật này không chỉ đối với đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc mà ông còn đưa hát Then, đàn Tính đến với khán giả Thủ đô Hà Nội và nhiều người coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu ở không gian văn hóa đình Bích Câu, Hà Nội. Chị Ngô Thị Kim, đang công tác ở Bộ Công Thương, xuất thân là con gái vùng Kinh Bắc cho biết: “Tôi đang sinh hoạt tại CLB Điệu Khúc Ngũ Cung Hà Nội. Đây là CLB tập hợp những người yêu thích các loại hình âm nhạc dân gian như Ca trù, Trầu văn, hát Quan họ, hát Chèo, hát Then…Sở trường của tôi là hát Quan họ, Chầu văn nhưng khi nghe thày Quang truyền dạy cho một số chị em ở CLB tôi đã mê ngay hát Then, đàn Tính. Hiện, tôi đã trở thành hội viên của CLB hát Then của Hà Nội”. Không những thế, biết bao thế hệ học sinh của ông ở các CLB hay ra trường lại tiếp tục truyền lửa hát Then, đàn Tính đến những người khác. Nhiều người đã gặt hái thành công qua các hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng. Các thế hệ học trò và những người yêu thích hát Then, đàn Tính đã và đang cùng ông gìn giữ phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, ông còn cùng với các giáo viên bộ môn của Nhà trường biên soạn giáo án, giáo trình về bộ môn này để đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiệm thu năm 2016.

Thạc sĩ Bùi Quốc Chiều, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cho biết: Thầy Phạm Văn Quang là người dân tộc Kinh nhưng lại là người đam mê hát Then, đàn Tính của người Tày, Nùng. Từ đó, thầy đã không quản ngại sâu sưu tầm những bài Then dịch sang tiếng Kinh hát để tất cả các dân tộc đều hiểu được bản Then, đàn Tính của người Tày, Nùng.

Sự nỗ lực hơn 40 năm qua của ông đã được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng. Nhiều sáng tác do ông đặt lời mới, truyền dạy; biên soạn, dàn dựng và trình diễn nghệ thuật diễn xướng Then cổ đã đạt giải cao trong các Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc. Trong đó, phải kể đến một số tiết mục do ông sáng tác, dàn dựng, truyền dạy, biểu diễn như: “Quê em đón Bác Hồ” do Tốp Then nữ của Đoàn Nghệ thuật quần chúng của tỉnh đạt giải Nhì tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc năm 2009; “Lời Then dâng Bác” đạt giải Nhất Liên hoan Ca múa nhạc lần thứ XIII, chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô năm 2015, do Hiệp hội UNESCO T.P Hà Nội trao tặng; tiết mục “Hoa nở đường Then” được Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tặng Bằng khen (Huy chương Bạc) năm 2016. Đặc biệt, tại Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ 6 năm 2018 tổ chức tại Hà Giang mới đây, hai tiết mục: “Khúc hát Then Thần Sa” (đặt lời mới) và “Vượt núi cao sông sâu” (dàn dựng trích đoạn Then cổ) đã đoạt giải Vàng …Những đóng góp của ông đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.