Ngoài 8 dân tộc chính, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa, tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều dân tộc khác cùng đoàn kết sinh sống. Sự quần cư đan cài giữa các dân tộc buộc cư dân trong vùng phải tìm một ngôn ngữ chung để thực hiện các hoạt động giao lưu văn hoá, kinh tế. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, giữa các dân tộc đều chịu tác động lớn của tiến bộ hoa học kỹ thuật; sự phát triển đa dạng của các phương tiện nghe, nhìn và du nhập của các nền văn hoá thế giới, tạo nên những “va đập”, giao thoa và dần làm mai một đi nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống mang bản sắc gốc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cuộc sống hiện đại đương nhiên có nhiều mặt tích cực, như việc góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu được cải thiện, nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh, trẻ em không thất học. Đặc biệt qua các phương tiện nghe, nhìn, mạng internet, ngồi trong nhà, đồng bào cũng có thể tiếp cận được những thông tin mới nhất trên khắp thế giới. Nhưng vấn đề lớn đặt ra là nhiều nét đẹp văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đứng trước một thách thức lớn. Đó là sự mai một, lãng quên những giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu của mỗi dân tộc. Chính từ nhận thức được những bất cập này, nên từ nhiều năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động tích cực để nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tinh hoa của các dân tộc thiểu số, như việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Đề án: “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về: “Công tác dân tộc”…
Từ năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án: “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án này là: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc Thái Nguyên, để văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hoá cao; phát huy vai trò chủ thể văn hoá trong phát triển văn hoá dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Thái Nguyên, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hoá, trong đó công tác bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số cũng được coi trọng.
Đến nay, ngành đã tổ chức thực hiện hoàn thành công tác kiểm kê tại các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, tỉnh đã lựa chọn được một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đồng thời thực hiện tiến hành các thủ tục cần thiết theo trình tự quy định của Nhà nước, điển hình như: “Lễ cấp sắc” của cộng động dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên; “Múa Tắc Xình” của cộng đồng dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương. Hiện các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và kinh phí chương trình mục tiêu do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp, trong những năm gần đây, Ngành đã triển khai, thực hiện được một số đề tài khoa học, tiêu biểu là các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Thái Nguyên; phục dựng đám cưới của người Tày ở xã Lam Vĩ (Định Hoá); Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Dìu, xã Tức Tranh (Phú Lương). Riêng xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được phục dựng đám cưới và Lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu. Ngành cũng đã triển khai thực hiện điều tra di sản văn hóa phi vật thể vùng ATK; triển khai thực hiện nghiên cứu Lễ hội Oóc Pò của người Nùng huyện Đồng Hỷ…
Trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào người dân tộc thiểu số, phải kể đến sự tham gia tích cực của các nghệ nhân dân gian, như: Nghệ nhân Bàn Đức Báo, ở xóm Chiểm, xã Quân Chu (Đại Từ) gìn giữ, lưu truyền nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nghệ nhân Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) sưu tầm, chép lại gần 7.000 bài hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; nghệ nhân Hoàng Văn Toòng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) gìn giữ, lưu truyền Lễ hội Oóc Pò của đồng bào người dân tộc Nùng; nghệ nhân Ma Văn Cười, xóm Ru Nghệ II, xã Đồng Thịnh (Định Hoá) lưu giữ, trình diễn và truyền dạy nghệ thuật rối cạn của dân tộc Tày. Cùng ở huyện Định Hoá, nghệ nhân Nguyễn Văn Chu, xóm A Nhì, xã Bảo Linh, tuy bị mù 2 mắt, song ông là người lưu giữ, truyền dạy cho con em đồng bào người dân tộc Nùng kỹ năng thổi sáo, hát lượn cọi. Ở T.P Thái Nguyên, nghệ nhân Ma Ngọc Chỏi, tổ 22, phường Quan Triều, nhiều năm âm thầm sưu tầm, tập luyện nhuần nhuyễn nghệ thuật hát then cổ, gồm các điệu Then mùa xuân, Tứ quý, Kỳ yên, Cầu hoa, Cúng mụ,… rồi hăng hái truyền dạy cho lớp trẻ người dân tộc Tày mê then. Và nghệ nhân Nguyễn Tư Xin, xóm Thái Sơn I, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đã chế tác thành công hàng trăm cây sáo Mông phục vụ đồng bào và khách du lịch.
Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan và trực tiếp là những nghệ nhân của đời thường, nhiều nét đẹp văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được phục hồi bản sắc gốc, đồng thời phát huy được trong cuộc sống tinh thần hằng ngày thông qua hoạt động lễ hội, biểu diễn, giao lưu văn nghệ, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.