Dùng tiền lẻ đặt lễ trong các ban thờ ở đền, chùa vốn không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, với quan niệm sai lệch có tính lây truyền từ bao lâu nay, nhiều người dân vẫn cố tình dùng tiền lẻ đi lễ, gây nên hình ảnh phản cảm, xấu xí tại nơi tôn nghiêm, trang trọng.
Hiện nay, nhiều người dân vẫn có quan niệm sai lầm rằng, đặt tiền lẻ (hay còn gọi là tiền “giọt dầu”) vào các mâm lễ thì thần, Phật mới chứng giám “lòng thành”, càng rải nhiều tiền thì càng được thần, Phật ban nhiều lộc. Với suy nghĩ đầy tính thực dụng, “trần sao âm vậy” ấy, cho đến nay, dù đã được ban quản lý các đền, chùa hướng dẫn cách đặt lễ nhưng nhiều người vẫn cố tình rải tiền “vô tội vạ” ở các ban thờ, thậm chí gài tiền vào tay Phật, gốc cây...
Do có quá nhiều người cùng đi lễ và đặt tiền, tiền rơi vãi cả xuống sàn nhà…, gây nên hình ảnh phản cảm, lộn xộn, chen lấn, xô đẩy của người đi lễ.
GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam - cho rằng, đồng tiền tượng trưng cho vật chất, chưa kể có nhiều đồng tiền lẻ đã được dùng qua tay bao người, khi đặt tiền, đặc biệt là tiền lẻ lên ban thờ không khác gì mang thứ tầm thường của trần gian dâng lên thần, Phật.
GS Trần Lâm Biền cũng lý giải, suy nghĩ “trần sao âm vậy” là điều dễ nảy sinh trong tâm lý của người đi lễ. Nó xuất phát từ lòng tham, những đố kị trong đời sống, thấy người khác có gì thì mình phải có hơn. Với tâm thế ấy, suy nghĩ ấy khi đi lễ chùa, cùng hành động gài tiền lẻ vào lễ, chẳng khác nào hối lộ thần, Phật. Đó là điều cấm kị. Chưa kể, hành động bon chen, cố gài, nhét tiền vào lễ rất phản cảm, xấu xí, thiếu văn hóa.
“Đừng đem suy nghĩ tầm thường “tốt lễ dễ kêu” để đi lễ, bởi đi lễ không thành tâm, chỉ nghĩ đến vật chất thì còn… phải tội hơn. Những nơi đình, đền, chùa là chốn tâm linh, thanh tịnh - nơi để người dân đến tìm thấy sự thanh thản, an yên chứ không phải nơi xô bồ, đổi chác, xin xỏ vật chất tầm thường. Thế nên, những quan niệm xấu về đặt tiền lẻ đi lễ cần được loại bỏ. Người đi lễ nên hiểu văn hóa tín ngưỡng, văn hóa đi lễ chùa để có hành xử đúng và văn minh”, GS Trần Lâm Biền bày tỏ.
Quản lý không bằng ý thức
Trong hội nghị triển khai công tác tổ chức lễ hội năm 2019 vừa diễn ra tại Bộ VH,TT&DL, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy nhận định, công tác tổ chức lễ hội những năm qua có nhiều chuyển biến, nhưng một số hiện tượng xấu vẫn chưa được khắc phục triệt để, như tình trạng đổi tiền lẻ đi lễ chùa với giá chênh lệch cao. Nhiều hình ảnh phản cảm, chưa đẹp của người đi lễ còn diễn ra, như việc người dân chen lấn, xô đẩy để đặt tiền lẻ lên các ban thờ, đặt tiền công đức không đúng nơi quy định...
|
Đặt tiền lẻ để lễ trong các ban thờ ở đình, đền, chùa được xem là hành động thiếu văn hóa (Ảnh minh họa). |
Về hiện tượng này, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý đền Trần cũng thừa nhận, hiện tượng người dân dùng tiền lẻ đi lễ vẫn rất nhiều. Nhiều người do ý thức và suy nghĩ từ bao lâu nay cho rằng, khi đã vào những nơi tâm linh, nếu không đặt tiền thì cảm giác không yên tâm. Bởi thế, họ vẫn chưa bỏ được thói quen này dù đã được nhắc nhở. Việc làm thế nào để hạn chế người dân sử dụng tiền lẻ đi lễ, và đặt tiền công đức đúng nơi quy định (đặt vào các hòm công đức), cơ bản phải xuất phát từ ý thức của người dân, thay đổi thói quen của người đi lễ.
“Người dân nên hiểu rằng, tiền lẻ đặt ở các ban thờ mà họ quan niệm là “giọt dầu” là không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam, nếu không muốn nói đó là hành động rẻ rúng thần linh. Nếu người nào thành tâm muốn công đức cho nhà chùa, nhà đền thì để vào hòm công đức được đặt theo quy định của ban quản lý. Tấm lòng công đức ấy của người dân đều được ban quản lý đền, chùa ghi nhận”, ông Nguyễn Đức Bình bày tỏ.
Những năm qua, Bộ VH,TT&DL cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để đi lễ.
Nhiều năm nay, vào mỗi dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã không phát hành những loại tiền mệnh giá nhỏ, như các loại mệnh giá 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng. Việc làm này được xem là giải pháp tình thế, góp phần hạn chế người dân sử dụng tiền lẻ không đúng mục đích.
Tuy nhiên, để tiền mệnh giá nhỏ không trở thành món hàng sinh lời cho các đối tượng cò mồi “ăn” chênh lệch khi đổi cho người đi lễ, và hơn hết, để văn hóa đi lễ chùa của người Việt trở lại đúng với giá trị, thì hơn ai hết, người đi lễ phải hiểu biết và có văn hóa, ứng xử đúng cách.