Tư tưởng Hồ Chí Minh về mùa Xuân dân tộc độc lập, tự do

22:56, 04/02/2019

Mở đầu bài viết “Cách mạng Tháng Mười Nga mở đường giải phóng cho các dân tộc trên thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sau mùa đông lạnh lùng, là mùa xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, xã hội chủ nghĩa” (1).

Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về mùa Xuân không chỉ dừng lại ở mùa Xuân của đất trời mà cao cả hơn là vươn tới mục tiêu cao đẹp là hướng đến mùa Xuân của dân tộc độc lập, tự do; mùa xuân của chủ nghĩa xã hội.

Là người nắm được quy luật của tự nhiên, sống thân thiện và hòa mình vào thiên nhiên, không ai khác và hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu cảm sự chuyển động của bốn mùa, nhất là mùa Xuân, trong bài viết “Chào Xuân” Người viết: “Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hoá, chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa Xuân, và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày Xuân để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động và sống còn cho cả năm, nên tục ngữ có câu “Nhất niên chi kế thuỷ ư Xuân”. Cũng vì thế cho nên năm mới thì người ta có những cuộc vui vẻ, sung sướng cho xứng đáng với Xuân và để mừng Xuân. Chẳng những là kẻ giàu sang tiếp Xuân với sự hồ hởi, mà người nghèo khó thấy Xuân cũng vui mừng” (2).

Mùa Xuân với sức sống và vẻ đẹp của nó từ bao đời nay đã làm lay động tâm hồn và trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân. Là thi sĩ ai lại không có một đôi vần thơ Xuân trong đời? Hồ Chí Minh không là ngoại lệ. Yêu đời, say mê cuộc sống, tâm hồn dễ xúc cảm trước cái đẹp của con người, thiên nhiên, tạo vật, vì thế, thơ Xuân Hồ Chí Minh không chỉ là mùa Xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa Xuân chất chứa bao nỗi niềm dân tộc, Xuân bởi lòng người, Xuân của lịch sử và của mong ước tương lai. “Nguyên tiêu” là bài thơ đặc sắc mà Người muốn chuyển đi những thông điệp đó:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, Xuân thuỷ tiếp Xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Bản dịch của Xuân Thuỷ:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (3).

Chỉ với bốn câu thơ, Bác đã khơi gợi trước mắt người đọc vẻ đẹp thơ mộng, tràn đầy, viên mãn của mùa Xuân trong không gian và thời gian. Đêm rằm tháng Giêng, mặt trăng tròn sáng ngời soi tỏ dòng sông mùa Xuân, làn nước mùa Xuân, bầu trời mùa Xuân. Bài thơ vừa thể hiện tâm hồn, phong thái của một “tao nhân mặc khách” vừa thể hiện trí tuệ, cốt cách thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài. Không chỉ rung động trước vẻ đẹp của mùa Xuân. Xuân còn đi vào trong thơ Bác như là một nguyên cớ, là nguồn cảm hứng để người bày tỏ cái nhìn lạc quan, biện chứng về xu thế vận động, phát triển của lịch sử, của dân tộc. Trong bài “Tự khuyên mình” Người viết:

“Nếu không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân.

Nghĩ mình trong bước gian truân

Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.” (4)

Quy luật của đất trời: Hết Đông tất tới Xuân. Cuộc sống con người cũng vậy. Để có được ngày Xuân rạng rỡ, huy hoàng, đừng ngại gian truân, vất vả. Nắm được quy luật tất yếu của lịch sử, của xã hội, Bác luôn nhìn cuộc sống, nhìn cách mạng với một tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng sâu sắc vào ngày thắng lợi. Vì vậy, trong bài “Trường kỳ kháng chiến” Người khẳng định: “Ta phải hiểu và phải cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ. Dù địch thua đến 99%, nó cũng ráng sức cắn lại... Vì vậy, ta phải có, và phải làm cho dân ta có Tín tâm và Quyết tâm. Dùng lời lẽ giản đơn, rõ rệt mà giải thích cho quần chúng. Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân. Qua khỏi trận khủng bố ráo riết của địch, thì ta sẽ thắng lợi” (5).

Theo Bác, hiểu hết giá trị của mùa Xuân khi và chỉ khi mỗi chúng ta nhận ra rằng, quy luật của xã hội không giống như quy luật của tự nhiên; vì theo Người: “Xuân như ai! Xuân chẳng những là ôn hoà tươi đẹp, mà lại chí công vô tư. Đã không riêng cho một hạng người nào, cũng không riêng cho một nơi nào. Cho nên có câu ca dao: “Xuân ơi, Xuân hỡi, hỡi Xuân, Từ xa tới gần, Xuân khắp mọi nơi”. Song, luật xã hội không theo vòng tròn của luật tự nhiên. Từ xưa đến nay, nơi nào cũng có Xuân. Từ xưa đến nay cây nào cũng tươi tốt. Nhưng cách thức loài người đón rước Xuân này và đón rước mùa Xuân trước, khác nhau nhiều lắm. Ngày nay, những tiếng pháo lốp đốp chào Xuân đã bị những tiếng đùng đùng của ngư lôi ngoài bể và đại bác trên bờ át mất” (6). Khi mùa Xuân của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam chưa được hưởng độc lập, tự do thật sự thì chưa có mùa Xuân thật sự và nhắc nhở những ai đang hưởng lạc tiết Xuân phải nhớ công ơn của những người chiến sĩ đang đổ máu trên sa trường để giành và giữ lấy mùa Xuân độc lập: “Cái sắc đỏ của hoa đào, màu điều của câu đối Xuân, tựa hồ đã nhuộm bằng giọt máu hồng của những chiến sĩ ở các sa trường khắp thế giới! Khi ai hưởng bánh chưng, rượu ngọt, củ kiệu, thịt đông, sao cho khỏi nhớ đến chiến sĩ ăn tuyết, uống sương trên mặt trận! Trong tự nhiên thì Xuân này không khác gì các Xuân trước. Nhưng trong xã hội thì Xuân này là một chiếc tranh Xuân, một Xuân trọng yếu, chẳng những nó giúp giùm sinh kế của loài người trong một năm mà nó sẽ quyết định mệnh vận của loài người trong bao nhiêu thời đại” (7).

Khi đất nước ta vẫn chưa có mùa Xuân thực sự vì thực dân Pháp xâm lược, Người luôn đau đáu quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết kháng chiến để giành lại độc lập, tự do và thống nhất cho dân tộc, khi đó mới thực sự là mùa Xuân mới – Xuân độc lập, tự do; vì vậy, trong “Thơ gửi tặng Báo Độc Lập nhân mùa Xuân kháng chiến đầu tiên” đăng trên Báo Độc lập, số 1024, ngày 27-11-1974, Người căn dặn:

“Năm mới thế cho năm đã cũ.

Báo “Độc lập” của Đảng Dân chủ.

Kêu gọi toàn thể dân Việt Nam,

Đoàn kết và thắt chặt hàng ngũ,

Kiên quyết kháng chiến đến kỳ cùng,

Để giữ chủ quyền và lãnh thổ.

Chờ ngày độc lập đã thành công.

Tết ấy tha hồ bàn với cỗ” (8).

Và trong “Thư gửi đồng bào trong những vùng địch tạp chiếm đóng” Người động viên:“Phải luôn luôn giữ vững tinh thần, luôn luôn tin tưởng vào lực lượng của Chính phủ, bộ đội và nhân dân ta, luôn chắc rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về ta. Trong lúc viết thư này, một mặt tôi rất đau lòng vì tôi tài hèn đức mọn, chưa đuổi được giặc ngay để đồng bào chịu khổ cực. Song một mặt tôi rất phấn phát, vì tôi chắc rằng trải qua bước cực khổ, thì chúng ta nhất định thành công, cũng như qua khỏi mùa Đông, thì chắc chắn mùa Xuân sẽ đến. Đồng bào hãy bền chí, ngày giải phóng sẽ đến! Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất, độc lập nhất định thành công!” (9).

Tinh thần quyết tâm không lay chuyển và tín tâm vào một mùa Xuân dân tộc độc lập, tự do, trong tác phẩm “Bọn đế quốc cướp nước không bao giờ có thể nô dịch dân tộc Việt Nam anh dũng” Người dự báo và mong muốn: “Tương lai của dân tộc Việt Nam cũng tươi sáng như mặt trời mùa Xuân. Vui mừng trước vẻ đẹp của mặt trời mùa Xuân, chúng tôi sẽ đấu tranh cho một tương lai rực rỡ của Việt Nam, cho tương lai của nền dân chủ, của hòa bình trên toàn thế giới và của chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi là những kẻ chiến thắng hiện tại cũng như trong tương lai, vì con đường đi của chúng tôi được học thuyết vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng” (10).

Cách mạng thành công, đất nước độc lập, nhân dân tự do chính là mùa Xuân tươi đẹp nhất trong trái tim thiêng liêng, ngời sáng của Hồ Chí Minh. “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, “Một năm là cả bốn mùa Xuân”, là nỗi niềm, là mong muốn khôn nguôi của Bác. Nỗi niềm riêng, mong muốn riêng cũng là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái đích Đảng ta phấn đấu đạt tới. Đây chính là nét đẹp tột đỉnh của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Và mùa Xuân mới khác xưa đã và đang được hiện thực hóa sinh động, vì vậy, trong bài “Mừng Xuân vĩ đại” Người so sánh: “Xưa kia người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình với những câu chúc tụng như: “Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái”. Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới. Xuân này là một Xuân cực kỳ tươi đẹp, nó tổng kết thắng lợi to lớn của loài người mấy năm trước và mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa những năm sau. Chủ nghĩa đế quốc thực dân là tượng trưng cho mùa Đông lạnh lùng u ám đã bị đẩy lùi đến bước cuối cùng. Mùa Xuân của lực lượng hoà bình thế giới ngày càng lan rộng, của phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lên cao, của chủ nghĩa xã hội ngày càng tươi đẹp” (11)./.

________________

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.487

(2), (4), (6), (7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 3, tr.472; tr.346; tr.472-473; tr.473

(3), (8), (9), (10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 5, tr.467; tr.17; tr.203; tr.313

(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 4, tr.484

(11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.4531