Câu ca gần lại lòng người

15:18, 27/09/2019

 “Lói tạo lóng son nhít lọc san/Lịu nhúy sủi táy không nhóng hàng/Kim mạn nhóng lói tạo nỵ sụy/Chẹ lóng cụi thi hỷ cô sang” (tạm dịch: “Xế chiều mới tới làng anh/Cá chép rẽ nước đồng hành cùng đi/Hôm nay đã đến xứ ni/ Mượn nơi đất quý cùng thi hát hò”).  

Lời  soọng cô trong vắt như chiều Thu, mát lành như nước sông Cầu và thật mộc như lá đại ngàn cất lên, khiến bao lãng tử qua đường nấn ná, muốn tìm chủ nhân câu hát. Tôi cũng bị lời hát ấy cuốn lôi, dìu bước đến khu nhà văn hoá xóm Thanh Trà, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), nơi thành viên Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô Thanh Trà gặp gỡ, giao lưu để ngồi nghe hát và lặng lẽ nhâm nhi, thưởng thức từng ca từ tinh túy, nhưng rất đỗi đời thường của đồng bào người dân tộc Sán Dìu ở vùng quê bên dòng sông Cầu thơ mộng.

Ngồi bên lề chứng kiến cuộc hát, tôi cảm nhận có một lực hấp dẫn kỳ lạ là ai cũng muốn được tham gia. Dù chỉ nảy được một từ, một câu đã thấy lòng nhẹ nhõm, bâng khuâng. Ông Đặng Thanh Bình, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Đến cuộc hát, ai có câu ca ủ trong bụng, không cất lên được giữa cuộc hát, cảm lòng như có cục nghẹn chặn ngang cổ khi câu hát bật ra, thấy lòng nhẹ tênh bởi được dâng hiến.

Câu hát soọng cô từ lâu đã trở thành một di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Nên một ca từ cổ, hay ca từ mới đều có giá trị, được gom lại thành thơ, tạo nên vần điệu, hòa chung vào dòng sông nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên. Ông Diệp Hồng Phong, Phó Chủ nhiệm CLB nói phấn chấn: Ngày mùa vụ thư nhàn, tối nào nhà văn hoá cũng sáng đèn, bà con chòm xóm đến ngồi quây quần bên nhau, vừa nghe hát, vừa học hát. Câu hát làm lòng người ấm áp, cảm mến, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. 

Ngồi nhẩm câu hát soọng cô, ghi vội vào cuốn sổ tay của mình vì lỡ quên, ông Thi Văn Vượng quay sang tôi nói rủ rỉ: Soọng cô là niềm tự hào của người dân tộc Sán Dìu, nhưng vì cuộc mưu sinh bận rộn, cực nhọc và do những dòng nhạc mới xâm nhập vào cuộc sống, nên mất nhiều năm, nói đúng hơn là nhiều người ở nhiều thế hệ bị lãng quên câu hát, thậm chí không biết nói tiếng dân tộc mình. Nhưng có một sức mạnh tiềm ẩn trong cộng đồng người Sán Dìu, dù mong manh như đốm than hồng, song luôn sẵn sàng bùng cháy thành một phong trào đẹp. Đó là những nghệ nhân trong cộng đồng người Sán Dìu. Họ là nông dân, là con người bình dị của đời thường. Họ âm thầm gìn giữ câu hát cùng những nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo. Và chính họ là người lặng lẽ truyền dạy cho thế hệ sau những ca từ, những vần điệu của các bài hát cơ bản. 

Vừa tham gia CLB Soọng cô xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) trở về, ông Thi Văn Thái đã đến ngay với buổi sinh hoạt của CLB. Ông cho biết: Tôi được bên Đồng Chốc mời tham gia đi hát giao lưu với bà con bên CLB xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về. Hát đối ví 3 ngày, 2 đêm. Càng nhập cuộc, lời ca càng phong phú, giống như nước ngoài suối phải chảy về đến sông lớn mới hả hê… Chợt các bà: Lý Thị Hột, Ôn Thị Hà, Lưu Thị Sen nảy câu hát theo điệu Mun thếnh sén: “Hàng sút thếnh sén nhóng mun lỵ/ Mun lỵ ký lóng sộ na phong/Mun lỵ ký lóng sộ na này/Tánh lòng sáy sộ leo cô thòng”. Tạm dịch: “Hôm nay em đến làng rồi/Hỏi anh chỗ đứng, chỗ ngồi ở đâu/Để em còn biết trước sau/Chỗ ngồi, chỗ đứng cùng nhau hát hò”.

Câu hát nhuần nhuyễn, dễ cảm ấy được thức dậy nhờ sự hoạt động của CLB. Bởi hơn 10 năm trước đây, ở Sơn Cẩm “người ta” chỉ thấy thanh niên nam nữ hát nhạc vàng, nhạc đỏ, không có mấy người trong giới trẻ cất lời soọng cô, họ rất ngại khi hát bằng tiếng dân tộc mình. Ông Lê Văn Thuận bảo: Những người lớn tuổi như chúng tôi buồn lắm, sợ thất truyền ngôn ngữ và câu hát, nên thúc nhau thành lập CLB, để thông qua đó lưu truyền ngôn ngữ và những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình cho thế hệ sau. Bấy giờ, ông Bình và ông Nguyễn Sĩ Toán đã đến từng nhà vận động những người biết hát, nhớ câu hát vào nhóm, cùng chia sẻ câu ví soọng cô. Thấy ông Bình, ông Toán và một số bà con tâm huyết việc khôi phục, bảo tồn điệu hát ví của dân tộc mình, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện để bà con thành lập CLB, qua đó thu hút các nghệ nhân hát soọng cô và những người yêu thích hát ví tham gia sinh hoạt. Bà Lê Thị Kim cho biết: CLB soọng cô Sơn Cẩm được thành lập tháng 1-2013, với 86 thành viên, gồm bà con người Sán Dìu ở 6 xóm: Thanh Trà 1, Thanh Trà 2, Táo 1, Táo 2, Cao Sơn 1, Cao Sơn 2. Hầu hết thành viên tham gia CLB đều cao tuổi… Ông Lý Văn Hữu cho biết: Khó khăn nhất là cả CLB chỉ có 12 người biết hát. Nhưng bù lại là mọi người có lòng nhiệt tình, mê hát và chung quyết tâm tham gia phục dựng câu hát.

Các bà: Lưu Thị Hạnh, Tô Thị Lan, Lưu Thị Ngọc kể lại: Nhiều người mới tập hát cứ ngọng ngịu vì ngại, nhưng dần quen thì lên đồi hái chè, xuống ruộng cấy lúa, hễ thấy người là câu hát cất lên, đối qua, đáp lại khiến đồng trên, ruộng dưới ngày nào cũng ngân nga câu ví. Nhiều gia đình có cả vợ, chồng, con, cháu cùng tham gia CLB. Bà Lý Thị Mai cho biết: Nhờ tích cực tham gia sinh hoạt, hầu hết các thành viên CLB đều thuộc nằm lòng các bài hát cơ bản để đi giao lưu với các CLB trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt là CLB còn dịch bài hát: “Việt Nam quê hương tôi” sang lời Sán Dìu. Tiết mục có múa phụ họa, điệu “Hoa thơm bướm lượn” và có sáo trúc đệm lời. Tiết mục được nhân dân trong vùng đánh giá cao.

Hiện CLB có hơn 102 thành viên, người cao tuổi nhất là cụ Mạnh Thị Vòng, 87 tuổi; người trẻ nhất là bà Dương Thị Lan, 48 tuổi. Nhiều cháu như: Đặng Văn Chương, Ngô Thị Ly, Phó Thị Ngân… được thành viên CLB truyền dạy, thuộc nhiều bài ở các thể loại như: Soi cô, Chép cô, Mun Thếnh sén, On Ún sộ, Hô Hốc chúy, Mun Méng sẹng… Ông Đặng Thanh Bình tâm đắc: Theo tôi, soọng cô có chừng 1.000 bài cơ bản, người tham gia cuộc hát biết ứng dụng, biến hoá linh hoạt phù hợp từng ngữ cảnh, kể từ lời bài chào ướm dạm, đến bài chia tay dã bạn thì có thể hát cả tuần, cả tháng và hát mãi không chia tay nhau được.

…“Nám xá lỵ/Lóng kim sá lỵ lui hóng hòng/Sệch phan dẹp dụy thon sạc chẩy/Ngạn lui sá sông vún hạ cong”. Tạm dịch: “Gửi lời cảm tạ tới nàng/Cay cay khóe mắt hai hàng lệ rơi/Miếng cơm nuốt chẳng thấy trôi/ Tưởng như có sạn trong nồi cơm ngon”… Còn gì mộc mạc, chân chất và hay hơn thế nữa. Tôi gói ghém câu hát vào cuốn sổ tay, dùng dằng chẳng muốn về.