Nét xưa trong sách tranh dân gian

12:56, 18/04/2021

Mấy năm gần đây, nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm về với cổ phục. Tài liệu để nghiên cứu và phục dựng trang phục cổ Việt Nam, có lẽ, chủ yếu nằm ở sách. Ra mắt những cuốn sách về tranh dân gian cũng là một cách bảo tồn giá trị xưa cho ngày nay và cho ngày sau.

Văn hóa truyền thống là chất liệu không thể thiếu làm nên bản sắc, giá trị riêng cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nhưng, đứng trước sự biến đổi không ngừng của đời sống xã hội, nhiều giá trị truyền thống đã dần bị rơi vào quên lãng. Sáng tạo những giá trị hiện đại dựa trên chất liệu dân gian là cách làm mới nét xưa, để truyền thống thêm một lần sống lại, mang đến hiệu quả thiết thực cho cuộc sống hôm nay. Đó là cách nghĩ của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang khi chị bắt tay làm dự án cung cấp kho nguyên liệu truyền thống dành cho ngành thiết kế. Và sản phẩm đầu tiên của dự án chính là cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”.

Trịnh Thu Trang từng tâm sự: “Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với bản gốc của tranh Hàng Trống, tôi đã thực sự ngạc nhiên về tính thẩm mỹ, ý nghĩa và khối lượng đồ sộ của dòng tranh này”. Theo chị Trang, tranh Hàng Trống nói riêng và tranh dân gian nói chung là kho nguyên liệu vô cùng phong phú về màu sắc và họa tiết chưa được khai thác và đang có nguy cơ mai một. “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” là cuốn sách đầu tiên cung cấp nguồn nguyên liệu họa tiết và màu sắc cho giới mỹ thuật, thiết kế.

Khác với Trịnh Thu Trang chuyên về thiết kế, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu với bạn đọc về một số dòng tranh dân gian với mong muốn “bắc thêm một cây cầu” để nối tranh dân gian với cuộc sống hiện đại. Sau khi xuất bản hai cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, vào năm 2019, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cùng một số tác giả tiếp tục cho ra mắt "Dòng tranh dân gian Hàng Trống".

Những cuốn sách của Nguyễn Thị Thu Hòa mang đến cái nhìn toàn cảnh về từng dòng tranh, dự án khôi phục và hàng trăm bức tranh dân gian được in màu kèm chú thích. Theo nhóm tác giả, việc phục hồi và quảng bá các dòng tranh dân gian “đã có tác động tích cực đến giới nghiên cứu mỹ thuật, các họa sĩ” và cũng “đã có những tác động ngược lại, đó là các họa sĩ đã bước đầu ứng dụng nét đẹp của tranh Kim Hoàng để tạo ra sản phẩm phục vụ dân sinh”. Thực tế chứng minh, những năm gần đây, sản phẩm in họa tiết từ tranh dân gian rất “ăn khách”. Đó là các bao lì xì dịp Tết, lịch treo tường, đồ gốm sứ, vỏ bánh kẹo, ốp điện thoại, sổ, cốc, túi, khăn, quần áo...

Được biết, trong quá trình triển khai Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng từ năm 2016, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã tiếp cận bộ tài liệu quý về tranh dân gian Việt Nam của học giả người Pháp Maurice Durand, trong đó có hơn 90 mẫu thuộc dòng tranh Kim Hoàng. Công trình về tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand do Viện Viễn Đông Bác Cổ xuất bản lần đầu vào năm 1960, trong đó có hơn 400 tác phẩm hội họa dân gian kèm theo nghiên cứu, phân tích, bình chú tỉ mỉ. Đây là kết quả có được sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm trên các phố phường Hà Nội và các vùng lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ của học giả Maurice Durand.

Cuối năm 2017, ấn bản Việt ngữ của cuốn sách đã được xuất bản. Và mới đây, cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu” đã được NXB Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần một. Không chỉ mang đến cho độc giả Việt cơ hội tiếp cận với bức tranh toàn cảnh về tranh dân gian Việt Nam của một học giả ngoại quốc, mà những nhà làm sách còn mong muốn phát triển một loạt ấn phẩm về tranh ảnh hội họa bản địa như là bằng chứng sống động về cuộc sống thường nhật của người Việt Nam xưa và thế giới quan văn hóa của các tầng lớp trong xã hội.

Thông tin đầy đủ, trình bày công phu, in màu đẹp mắt, những trang sách về tranh dân gian đã mang lại một cảm xúc mới cho độc giả hiện đại, đồng thời là nguồn tư liệu quý cho các thế hệ sau khai thác và sáng tạo nên những giá trị mới trên nền truyền thống.