Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và những chi tiết liên quan đến Thái Nguyên (Bài 1)

10:02, 09/06/2021

L.T.S: Từ một vài chi tiết thấp thoáng trong sách chính sử và những câu chuyện huyền sử (dã sử) nghe được, gần 10 năm qua, Nhà báo Phan Hữu Minh, Lê Tùng cùng các cộng sự lần tìm với hy vọng khẳng định công trạng cũng như quê hương của nữ Phó tướng của Trưng Trắc có tên Hồ Đề liên quan đến Thái Nguyên. Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu bài viết 3 kỳ của Nhà báo Hữu Minh, hy vọng cung cấp những thông tin bước đầu cho bạn đọc.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) do bà Trưng Trắc phát động cùng em gái là Trưng Nhị và rất nhiều nữ tướng, nữ binh, không chỉ được ghi nhận là một trong những cuộc dấy binh đầu tiên của dân tộc Việt mà còn là cuộc khởi nghĩa duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam do những người phụ nữ lãnh đạo thắng lợi; lập nên vương triều độc lập, thống nhất, tự chủ thời kỳ ấy. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó, Tô Định phải chạy về nước, nền độc lập dân tộc được khôi phục sau hơn 150 năm bị nô lệ. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. Vùng đất Thái Nguyên ngày nay đầu Công nguyên thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ, là cầu nối giữa vùng đồng bằng châu thổ các con sông mẹ và vùng núi cao, thâm sơn cùng cốc, núi non hiểm trở, là nơi cát cứ vững chắc của các Lạc hầu, Lạc dân và tù trưởng giầu mạnh.

Chính sử chép: “Khi cuộc khởi nghĩa được phát động tại vùng Mê Linh, lập tức được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân của Chu Diên, Tây Vu, sau lan sang các quận Cửu Chân, Nhật Nam…”, Thái Nguyên ngày ấy giáp Mê Linh, lại nằm trong đường tiến quân xuống Cổ Loa, Long Biên, Lãng Bạc, nơi có các trận đánh lớn với quân thù. Còn huyền sử trong dân gian thì lưu truyền câu chuyện về một phụ nữ tài giỏi, cai quản tới 70 động vùng Lũng Mai, Thiên Sớ (Thái Nguyên) có tên Hồ Đề, kéo quân theo Hai Bà, lập công lớn, được Trưng Trắc phong làm Phó tướng (Về nữ tướng Hồ Đề, sẽ nói kỹ ở bài sau).

Bà Trưng Trắc lên ngôi vua chưa đầy hai năm thì nền độc lập của đất nước bị đe dọa. Năm 42, Mã Viện, tên tướng già đã từng đàn áp đẫm máu nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc đem 2 vạn quân và 2 nghìn thuyền, xe sang xâm lược nước ta. Trên đường từ biên giới vào, Mã Viện đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của các nữ tướng: Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân... Đến đất Lãng Bạc (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hiện nay) gặp Trưng Vương cùng các tướng lĩnh Việt xuất quân từ Mê Linh xuống, Mã Viện phải đánh nhau dai dẳng và hao tổn nhiều quân, phải xin thêm viện binh. Quân Trưng Vương chiến đấu dũng cảm nhưng vì lực lượng chênh lệch nên sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc đã rút về Cấm Khê, vùng Suối Vàng và núi Vua Bà (thuộc huyện Thạch Thất, Ba Vì, nay thuộc Hà Nội). Sau một thời gian chống địch ở Cấm Khê, quân ta dần suy yếu không kháng cự lại được, Hai Bà Trưng quyết không để rơi vào tay giặc và tuẫn tiết trên sông Hát (năm 43).

Sau khi Hai Bà Trưng mất, nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng, tưởng nhớ công ơn của Hai Bà và các tướng lĩnh; trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Đền Hai Bà Trưng tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê linh, T.P Hà Nội - nơi Hai Bà sinh ra và lớn lên đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Di tích nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích gần 130.000m2. Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh diễn ra vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, ngày chính hội là ngày mùng 6, thu hút hàng vạn lượt khách thập phương.

(Còn nữa)