Đừng để di tích bị lãng quên!

08:53, 03/08/2021

Năm 2016, địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (năm 1950), tại xã Phú Xuyên (Đại Từ) được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm được công nhận, Di tích vẫn còn khá sơ sài, lối vào khó khăn.

Nằm ở phía Tây Bắc của huyện Đại Từ, xã Phú Xuyên có vị trí  quan trọng, là “lá chắn” An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân dân Phú Xuyên từ lâu đã sớm giác ngộ cách mạng, tinh thần gắn bó keo sơn.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhiều cơ quan Trung ương, Chính phủ đóng tại Phú Xuyên như: Cơ quan của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Nhà in Lao động; Xưởng cơ khí Minh Khai chế bom mìn, thuốc nổ; Ban Giao thông Trung ương…

Đặc biệt, năm 1950, xã Phú Xuyên được chọn là nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội trường Tám mái dưới chân núi Điệng, thuộc xóm Tân Lập ngày nay. Đại hội vinh dự được đón nhận thư chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Trường Chinh đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Ngay sau đó, vào tháng 2-1950, tại đây tiếp tục diễn ra Đại hội lần thứ nhất Đoàn Thanh niên cứu quốc và Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Vào tháng 4-1950, địa điểm này tiếp tục là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự cùng 345 đại biểu. Đại hội đã hợp nhất Đoàn Phụ nữ cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức duy nhất của phụ nữ, lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và trở thành thành viên của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế...

Năm 2016, Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia. Tuy vậy, cđến nay, địa điểm này vẫn không có gì thay đổi với Nhà truyền thống được Công đoàn Công nghiệp Việt Nam xây dựng trên nền hội trường Tám mái khi xưa với diện tích khoảng 160m2 và bia ghi dấu sự kiện đặt trong khuôn viên Di tích.

Hiện vật bên trong Nhà truyền thống cũng khá khiêm tốn, chỉ có 2 bức ảnh tư liệu chụp tại Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc lần thứ Nhất. Ngoài ra, một số bộ bàn ghế phục vụ các buổi sinh hoạt của người dân xóm Tân Lập cũng được đặt tại đây.

Ông Dương Trung Thành, Trưởng xóm Tân Lập, cho hay: Được địa phương giao bảo quản, sử dụng, do vậy, hàng tháng, chúng tôi tổ chức họp xóm tại đây và thực hiện quét dọn, vệ sinh thường xuyên. Năm 2018, mái nhà truyền thống bị dột, từ nguồn kinh phí huyện cấp, xã đã bố trí sửa chữa lại phần mái.

Tường và nền nhà cũng bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng. Con đường đất dẫn từ đường liên xóm vào Di tích dài hơn 1.000m, rộng 1m mấp mô sỏi đá, trơn trượt vào ngày mưa khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.

Năm ngoái, một đoàn du khách gồm 3 xe ô tô lớn tìm đến tham quan Di tích đã phải quay ra bởi không thể vào được. Thời gian gần đây, Di tích chủ yếu đón các cháu học sinh của xã vào tìm hiểu lịch sử, không có du khách từ nơi khác đến nữa.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho biết: Chính quyền địa phương và nhân dân rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ đầu tư bê tông hóa đường vào, cũng như làm thêm các công trình phụ trợ để Di tích xứng tầm với danh hiệu đã được công nhận, trở thành địa điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử cho du khách gần xa…

Không riêng Di tích ở Phú Xuyên, trên thực tế vẫn còn không ít những di tích khác trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức sau khi được công nhận. Sự tác động của thời tiết, bào mòn của thời gian đã khiến một số di tích bị xuống cấp.

Trong số các di tích được xếp hạng, tỷ lệ di tích có lượng du khách tham quan thường xuyên không nhiều, một phần do công tác quảng bá, giới thiệu về di tích còn hạn chế… Điều này dẫn tới một số di tích bị lãng quên, chưa phát huy hết giá trị.

Do vậy, cấp, ngành liên quan cần có giải pháp với từng di tích, đặc biệt là gắn bảo tồn di tích với hoạt động du lịch thông qua việc kết nối, hình thành các tour tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng miền. Qua đó thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, tạo nguồn lực để xã hội hóa tôn tạo, trùng tu di tích…

Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có gần 170 di tích, trong đó có 49 di tích đã được xếp hạng. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể thế nhưng theo cán bộ chuyên môn và nhân dân địa phương, số du khách đến tham quan các di tích rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do các di tích nằm rải rác, xa trung tâm, chưa được kết nối thành các tour du lịch, giao thông chưa thuận lợi, di vật khá sơ sài…