Gặp các nhà văn, nhà thơ TP.HCM trên xứ hoa vàng

17:25, 12/11/2021

Lần đầu tiên tại Phú Yên, gần 30 nhà văn - nhà thơ của Hội Nhà văn TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ, bàn luận về nghề nghiệp và thai nghén những đứa con tinh thần chuẩn bị chào đời trong một trại sáng tác văn học “đầy năng lượng”.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Đồi Thơm xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh tiếp đón các cây bút nổi tiếng, với đủ những trải nghiệm trọn vẹn 4 mùa của thời tiết trong hơn 1 tuần, từ ngày 6 - 12.11.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân: “Lý do lớn lao khiến đoàn nhà văn quyết định lựa chọn Phú Yên làm điểm đến mở trại sáng tác lần này là vì nơi đây không chỉ được biết đến là vùng đất hoa vàng cỏ xanh - mà còn là một vùng đất nghĩa tình. Cũng như nhiều hội văn học nghệ thuật khác trên cả nước, việc mở trại sáng tác văn học là việc làm bình thường trong nhiều hoạt động thường niên của hội nghề nghiệp, nhằm trò chuyện tâm tình, cảm thông, xóa dần sự cách biệt, nhích lại gần nhau để cùng bàn bạc tranh luận về nghề, gợi mở ý tưởng, kích thích sự sáng tạo và nỗ lực để cùng gặp gỡ nơi những trang viết hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ”.

Trước đó, ngay khi vừa đặt chân lên đất Phú Yên, đoàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa: viếng đền thờ Bác Hồ ở cao nguyên Vân Hòa, trồng cây ở công trình Trúc Lâm Thiền Viện và trải nghiệm thực tế ở nhiều địa danh nổi tiếng: nhà thờ Mằng Lăng, khu mộ cổ lớn nhất nước ở núi A Man, tham quan phim trường Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…

Nhà thơ Nguyễn Văn Bổn với bút danh Tần Hoài Dạ Vũ có rất nhiều kỷ niệm với Tuy Hòa nên dù đã lớn tuổi đến với trại viết văn, ông vẫn cố gắng đi thật nhiều để quay về… “mong ước kỷ niệm xưa”. Ông kể: “Tháng 10 năm 1978, tôi được cử đi học Trường Đảng tại Tuy Hòa 3 tháng. Ngày đó đất nước còn nghèo đói, các học viên chúng tôi chỉ toàn ăn bo bo và sắn, hay bột mì nắm thành vắt to và hấp chín. Có buổi chiều, tôi và nhà thơ Trần Huyền Ân trèo lên Tháp Nhạn, ngồi nhìn ra sông Đà Rằng; đây là nơi sông đổ ra biển, là cửa sông rộng sóng trào. Mặc dù chỉ mới biết tên nhau trên mặt báo, chưa hề thân thiết, vậy mà anh tìm đến tận trường thăm rồi kéo tôi về nhà ăn cơm, dù với đồng lương giáo viên ít ỏi, đãi tôi một bữa hoành tráng có cả cá, thịt, chứa chan tấm lòng của một nhà thơ dưới chân Tháp Nhạn dành cho một kẻ lưu lạc mà suốt cả đời tôi nhớ mãi”.