Nhu cầu cải tiến truyền thống xuất hiện do thị trường và giao lưu văn hóa. Các nhà thiết kế là người thúc đẩy điều này.
Thiết kế có trách nhiệm
Nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo của Km108 rất vui vì các thiết kế gửi về cuộc thi thiết kế của Tuần lễ thiết kế 2021 có nhiều yếu tố truyền thống và ý thức trách nhiệm ở đó. “Qua 2 năm đồng hành với Tuần lễ thiết kế, tôi nhận ra chúng ta đang sống trong thời kỳ hoạt động con người là yếu tố chi phối thịnh suy của tự nhiên. Các NTK cho thấy họ có trách nhiệm khi đặt vấn đề bảo tồn văn hóa, duy trì nghề truyền thống, hệ sinh thái và gắn kết xã hội rất cao”, bà Thảo nói tại tọa đàm Đánh thức truyền thống ngày 29.11 ở Văn Miếu, Hà Nội.
Thiết kế có trách nhiệm đó thể hiện ở việc các NTK sử dụng nhiều chất liệu địa phương, cho thấy hệ sinh thái đa dạng của chất liệu địa phương. Nhiều chất liệu như giấy, lụa, tre… được sử dụng. Các NTK trẻ cũng dùng nhiều kỹ thuật trên nhiều chất liệu để lồng ghép. “Trước đây, nguyên liệu cói chỉ được sử dụng một màu nguyên bản, nhưng sau đó đã được nhuộm màu. Sơn mài cũng được ưa chuộng, nhưng mỗi bài sơn mài lại có một sắc thái khác về trình bày và thiết kế”, bà Vũ Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, văn hóa bản địa cũng được khai thác ở nhiều góc độ mang tính nghệ sĩ hơn. Chẳng hạn, tác phẩm của NTK Nguyễn Xuân Lục là bàn trà được thể hiện như núi non trùng điệp. Bài thi Khứ hồi của Lưu Như Ngọc sử dụng chất liệu tái chế, sử dụng gốm bị vỡ ở làng Bát Tràng để làm thành đồ vật. Hay bộ bài Áo Việt có những quân bài giới thiệu về áo dài…
TK Vũ Thảo cũng đánh giá các NTK đang làm việc lớn hơn cả thiết kế và duy trì bản sắc là bảo toàn lao động địa phương. Họ giúp nhà nước ổn định độ phân bố của dân số vì nhiều lực lượng lao động địa phương do không sống nổi với nghề thủ công bản địa có thể thay đổi chỗ ở.
Truyền thống không chỉ là cổ xưa
NTK và cũng là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho rằng không nên quá căng thẳng với yếu tố truyền thống, hay sao chép nó một cách máy móc, đâu đâu cũng chép rồng chép phượng. Theo ông, điều quan trọng là phải rất chăm chỉ sáng tác hướng tới những vật dụng có ích. “Truyền thống VN nằm ở sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng hồn hậu, không trưng trổ. Nó cũng nằm ở tỷ lệ, ở sự khiêm nhường, sự mỏng manh, kỹ lưỡng bên trong của nó”, ông Đạt nói. Chính vì thế, các NTK cứ sáng tạo thoải mái mà vẫn có được phong vị truyền thống không che giấu được. Ông Đạt cũng lấy ví dụ về NTK Nguyễn Công Trí, chính sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong sáng tạo đã giúp ông Trí đi xa, trở thành NTK trang phục cho nhiều ngôi sao thế giới.
Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, Đại học Việt Nhật, cho rằng: “Truyền thống không phải chỉ là những gì cổ xưa. Truyền thống có thể rất mới vài năm nay thôi. Những cái như ăn bánh mì cũng là truyền thống, miễn là nó được thực hành rộng rãi trong cộng đồng”. Cũng theo bà Lê, các sản phẩm truyền thống dưới tác động của đời sống sẽ phát sinh nhu cầu đổi mới để vào thị trường.