Là một trong năm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện Định Hóa, Lượn Cọi mang những nét đặc trưng riêng mà không làn điệu nào có được. Song, cũng bởi sự độc đáo đó mà việc trao truyền làn điệu này cũng trở nên khó khăn gấp bội. Đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa tự hào về nét văn háo đặc sắc này của ông cha bao nhiêu thì canh cánh nỗi lo về trách nhiệm của người tiếp nối bấy nhiêu.
Chúng tôi ngược lên xã Định Biên, tìm đến xóm Khau Diều, nơi có những người còn nắm giữ được hồn cốt của Lượn Cọi. Vài năm trước, số người có thể rành rẽ về làn Cọi ở Định Hóa còn có 5, nhưng đến nay 3 người đã trở thành người thiên cổ. Đó đều là những nghệ nhân và thầy Then nức tiếng một vùng.
Người đón và trò chuyện về Lượn Cọi với chúng tôi hôm nay là ông Nông Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Định Hóa. Trong căn nhà đơn sơ nhưng ấm cúng của mình, ông mời chúng tôi chén nước được pha bằng quả cây rừng thơm thơm, ngọt ngọt. Nhắc đến Lượn Cọi, mắt ông ánh lên niềm vui, đủ thấy niềm tự hào trong ông về một di sản mà ông cha để lại.
Ông cất vang lời Cọi chào đón khách, những âm thanh dặt dìu ấy va vào không trung, vang vọng khắp núi rừng. Cùng với đó là tiếng sáo lúc trong veo như gió đại ngàn, lúc du dương như lời tự tình của đôi trai gái. Dứt bài, ông cất cây sáo vào chiếc bao được may bằng vải nhung xanh màu lá cây rừng một cách nâng niu, trân trọng.
Thông qua các lời Cọi có thể thấy đời sống tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc Tày. Đặc biệt, khi chúng tôi được cầm trên tay cuốn “Lời hát Sli, Lượn” của tác giả Nông Đình Long với nhiều bài Lượn Cọi, từng câu, đoạn Lượn đều phản ánh bản sắc văn hóa của người Tày trong cách ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con cái với cha mẹ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ, là tình đoàn kết, lối sống chan hòa của người dân trong xóm, bản người Tày...
Là người thông thạo các làn điệu của đồng bào Tày - Nùng ở Định Hóa, ông Nông Đình Long cho biết: Nhiều làn điệu của đồng bào có thể nghe na ná nhau, nhưng riêng Lượn Cọi có đặc trưng riêng không thể lẫn với bất cứ làn điệu nào khác. Sự khác biệt ấy rõ nhất ở lời ngân nga (ơ…ờ…ơi…ới) trước khi vào câu hát. Lượn Cọi hay nhất khi hát đối nam nữ, cứ như thế lời ngân nga ơ…ờ…ơi…ới sẽ được lặp lại trước khi vào câu hát của người tiếp theo.
Ví như: Ơ…ơi…ơi…ới…/Khuốp pi shíp soong bươn pây quyenh/Mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông pây tèo/Nọong ơi Nọong đin nẩy điếp slương/Pét dân tộc Định Hóa lầu nắc nơ ơ…ơ…ợi…ơ…ờ…ới… ( Năm tháng đi để lại, tháng năm/Mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, bốn tiết/Vùng quê mình, mảnh đất yêu thương/Tám dân tộc Định Hóa mình son sắt).
Tuy nhiên, để có thể hát được lời “ơ…ờ…ơi…ới” này, người hát phải có hơi rất khỏe, biết nghe nhịp, ngoài sự kiên trì luyện tập thì còn phải có chút năng khiếu nếu không khó lòng cất được lên lời Cọi. Chả thế mà trên địa bàn huyện hiện có tới 18 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian nhưng không có câu lạc bộ nào duy trì được Lượn Cọi.
Vài năm trước, những người như ông Long cũng đã đi truyền dậy cho một vài lớp với mấy chục người tham gia học. Mỗi lớp học 10 ngày và trong 10 ngày ấy chỉ học 2 bài, nhưng cho đến nay chỉ có 2 cặp là có thể hát được lời Cọi trên sân khấu. Đó là ông Ma Văn Nghị, bà Ma Thị Dục ở xã Bình Yên và ông Trịnh Minh Hợi cùng bà Nguyễn Thị Nước ở xã Phúc Chu. Và, cả 4 học viên này cũng đều đã ở vào độ tuổi 60 có lẻ.
Ngay cả thứ nhạc cụ duy nhất có thể đệm cho lời Cọi là sáo, đến nay tìm “đỏ mắt” trên địa bàn huyện Định Hóa cũng không ai thổi sáo đệm được thành thục như ông Long. Sốt ruột, ông Long thông báo tới các địa phương, ở đâu có nhu cầu học Lượn Cọi, ông sẵn sàng đến truyền dậy miễn phí, ấy thế nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy ai đăng ký.
Điều đó khiến ông Long và những người nặng lòng với Lượn Cọi không thôi trăn trở.