Bảo tồn di tích: Tránh “mất bò mới lo làm chuồng”

06:37, 31/03/2022

Nhằm phát huy văn hóa, thời gian qua, huyện Phú Bình đã quan tâm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn các di tích lịch sử. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm thời gian, không ít công trình đã xuống cấp, một số đang ở trong tình trạng cấp thiết, rất cần sự vào cuộc của các sở, ngành và địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo.

Huyện Phú Bình hiện có 291 di tích, trong đó 54 di tích đã được Nhà nước xếp hạng (7 di tích cấp Quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh). Thời gian qua, UBND huyện đã giao các xã, thị trấn trực tiếp quản lý danh mục kiểm kê, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn khai thác và phát huy giá trị của các di tích đã được xếp hạng.

Bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Bình, cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm trong quản lý, khai thác giá trị các di tích. Đồng thời rà soát, thống kê, lập danh sách các di tích có giá trị đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng; tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của các khu, điểm di tích để người dân biết, đến tham quan…

Trong giai đoạn 2015-2020, huyện Phú Bình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ tu bổ 7 di tích theo định mức 60% ngân sách tỉnh và 40% xã hội hóa ở địa phương, với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nguồn lực trong nhân dân để tôn tạo, sửa chữa 10 di tích, với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng.

Dù vậy, nguồn lực này còn khá khiêm tốn. Thời gian qua, không ít di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã xuống cấp. Để có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; kịp thời bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tâm linh của nhân dân… cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình đã phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích. Theo đó, trên địa bàn huyện hiện có 2 di tích cấp Quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh được đề nghị tu bổ do đã xuống cấp, có quy mô nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tâm linh của người dân địa phương.

Đơn cử như đình Hộ Lệnh, thuộc xã Điềm Thụy, công trình này được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2001. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, thuộc thời nhà Lê, vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Từ khi được công nhận đến nay, di tích chỉ được tu bổ, tôn tạo một lần vào năm 2002. Đến nay, đình Hộ Lệnh đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là gian hậu cung, nhiều hoành, xà đã bị mối mọt, các cấu kiện bằng gỗ bị mục ruỗng…

Hay tại Di tích đình - chùa Phương Độ (xã Xuân Phương), công trình mang nét đặc trưng của kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XV) tình trạng xuống cấp cũng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Năm 1993, đình Phương Độ được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Mặc dù đã được người dân đóng góp kinh phí để tôn tạo vào năm 2018 nhưng qua nhiều thế kỷ tồn tại, đình cũng không tránh khỏi bị xuống cấp.

Ông Đồng Văn Vừa, Ban Quản lý Di tích đình - chùa Phương Độ, chia sẻ: Hiện nay, trong tổng số 48 cột của đình thì có đến 20 cây bị mối mọt, mục ruỗng, có khả năng gãy, sập, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân dân khi đến đây. Chúng tôi đã khắc phục tạm thời bằng cách dựng cột, hàn thanh sắt để chống. Về lâu dài, bà con rất mong các ngành chức năng sớm quan tâm, tu bổ di tích.

Bên cạnh 2 di tích kể trên, trên địa bàn huyện Phú Bình còn một số di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng như: Chùa Úc Sơn, đình làng Nguyễn (thị trấn Hương Sơn); đình Quan Tràng (xã Thượng Đình); đình Nga My, An Châu (xã Nga My); địa điểm nền nhà ông Cao Nhật, bia rừng Rác, bia rừng Mấn (xã Kha Sơn)… đều đang xuống cấp. Các di tích này đã được huyện Phú Bình khảo sát, đưa vào danh mục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư, tôn tạo trong năm nay và những năm tiếp theo. Tuy vậy, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều nơi, đã đến lúc, công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị các di tích cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”.