Hát Sấng Cọ là một trong những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Sán Chay ở xã Na Mao (Đại Từ). Với mong muốn giữ gìn, không để làn điệu Sấng Cọ mai một, Câu lạc bộ (CLB) Sấng Cọ xóm Khuôn U được thành lập, tiếp tục đem làn điệu, câu ca hòa cùng đời sống lao động, sản xuất của bà con nơi đây.
Thời điểm này, trên các cánh đồng ở Na Mao đã phủ màu xanh non của mạ mới cấy. Tranh thủ lúc nông nhàn, các thành viên của CLB Sấng Cọ lại cùng nhau tập lại các bài hát mới ở Nhà văn hóa xóm Khuôn U.
Từ các cụ già cho tới em nhỏ, ai nấy đều say sưa ngân nga điệu Sấng Cọ. Lời bài hát với âm hưởng nhẹ nhàng, du dương, ấm áp, gần gũi khiến chúng tôi thực sự bị thu hút.
Theo lời bà Trần Thị Án, Chủ nhiệm CLB, Sấng Cọ là điệu hát cha truyền con nối của đồng bào dân tộc Sán Chay.
Không biết điệu hát của dân tộc mình có từ bao giờ, bà Án chỉ biết từ khi còn nhỏ đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy. Tùy vào từng nội dung, các câu hát có độ dài, ngắn khác nhau, thường mỗi câu hát có 28 chữ.
Điệu hát của đồng bào tộc Sán Chay phần lớn được truyền miệng từ đời này qua đời khác, một số được chép tay lại. Có tới hàng trăm bài hát theo làn điệu Sấng Cọ được bà Án ghi nhớ trong tâm thức.
Nội dung các bài hát theo làn điệu Sấng Cọ xoay quanh tất cả các mối quan hệ trong cộng đồng, từ chuyện con cái, làm ăn đến ca ngợi quê hương, tình làng nghĩa xóm, tình yêu đôi lứa hay chỉ đơn thuần là chuyện chào hỏi, mời nước... nhưng theo kiểu đối đáp, tức là có người hỏi và người trả lời. Nội dung điệu hát phong phú đến nỗi nếu cứ hát liên tục sẽ không bao giờ dứt, không hết chủ đề.
Hát Sấng cọ từng được ví như cơm ăn, nước uống của người Sán Chay. Thế nhưng những năm gần đây hát Sấng Cọ ngày càng vắng bóng trong đời sống của người dân. Đa phần thanh niên trẻ làm việc trong các công ty, nhà máy hay xa quê hương, không mấy người còn mặn mà với làn điệu Sấng Cọ.
Lo ngại điệu Sấng Cọ sẽ bị thất truyền, bà Án đã lặn lội tìm đến các già làng để xin được truyền lại các làn điệu Sấng Cọ cổ, đồng thời tập hợp người dân để thành lập CLB vào giữa năm 2017.
Từ 22 thành viên ban đầu, phần lớn là những người cao niên của xóm Khuôn U, đến nay CLB đã phát triển lên gần 70 thành viên. Thành viên cao tuổi nhất nay đã gần 90 tuổi.
Thông thường, vào ngày 20 Âm lịch hàng tháng, toàn bộ thành viên sẽ tập trung lại để giao lưu, luyện tập, phổ biến các bài hát mới. Những câu hát với cách ví von ý nhị, tình tứ, mềm mại được các thành viên thể hiện thuần thục.
Là một trong 7 thành viên nam của CLB, ông Đặng Minh Khánh cho biết: Từ khi tham gia vào CLB, tôi thấy người lúc nào cũng vui khỏe, sảng khoái. Vui nhất là ngày càng có thêm nhiều cháu nhỏ ham thích hát Sấng Cọ, đăng ký tham gia vào CLB, cháu bé nhất là 5 tuổi, lớn thì 10-14 tuổi. Chúng tôi dạy các cháu nói tiếng dân tộc mình trước, sau là tập hát các làn điệu đơn giản. Tôi và mọi người chỉ mong các cháu có ý thức giữ gìn, không để văn hóa của mình mai một.
Sau 5 năm hoạt động, đến thời điểm này các thành viên trong CLB đã phiên âm, dịch nghĩa được hàng nghìn câu hát, đóng thành sách để làm tài liệu nghiên cứu, tập luyện.
Cùng với lời ca, tiếng hát, trang phục cũng là điểm nhấn quan trọng để điệu Sấng Cọ có hồn và thêm sinh động. Ngoài các bộ trang phục cổ thuộc sở hữu của các thành viên, được truyền lại từ cha ông, có những bộ có tuổi đời hàng trăm năm, bà Án đã cùng các thành viên lên rừng lấy củ nâu về nhuộm vải rồi may thành các bộ trang phục truyền thống. Đây cũng chính là trang phục biểu diễn của CLB. Áo dài tứ thân, váy, yếm, xà cạp, khăn đội đầu cùng các họa tiết như hoa hồi, hoa hướng dương cách điệu được thêu nổi công phu, đẹp mắt trên nền vải chàm.
Tích cực đưa làn điệu Sấng Cọ vào các chương trình lễ hội, văn nghệ tại địa phương, cũng như tham gia vào các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với các địa phương khác, CLB đã đưa làn điệu Sấng Cọ gần hơn với cuộc sống thường ngày của người dân.
Đặc biệt, một số trường học trong và ngoài huyện đã tìm đến CLB để tổ chức các buổi trải nghiệm, giúp học sinh tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Sán Chay qua lời hát, cách tạo ra các bộ trang phục.