Vở ''Đất liền và biển cả'' nhận giải Xuất sắc Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022

09:35, 29/10/2022

Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, tối 28-10, Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 đã khép lại tại tỉnh Hà Nam với sự vinh danh xứng đáng các tác phẩm, nghệ sĩ, thành phần sáng tạo.

 

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 là hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức, với sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, thi tài 27 vở diễn. 

Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, liên hoan có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, trong đó có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ, mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật chèo. Các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã có sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn, khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19, để có những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu chèo nói riêng. 

Đánh giá về chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan cho rằng, 27 vở diễn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống, với tính cách tân đa dạng, phong phú, hấp dẫn.

Trao giải cho vở diễn đoạt giải Xuất sắc.

“Ở đó, nội dung đã vang lên những bài ca tình đời, tình người sâu sắc, làm người xem được lớn hơn bản thân mình vốn có, được vươn cao hơn trong đời sống, để hướng tới xây dựng cho mình những phẩm chất trung thực, liêm chính, hiến dâng tài năng cho Tổ quốc, non sông hòa bình, hạnh phúc, giàu đẹp và kiên quyết phê phán những tư tưởng ích kỷ, nhỏ nhen, hèn kém, hại người…”, ông Trần Trí Trắc nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ ra những hạn chế của liên hoan như: Tác giả, biên kịch chưa đông, chưa mạnh (ở liên hoan này chỉ có 7 tác giả chính chèo), chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”, có hình thức đột phá. Nhiều vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, hoặc chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, thiếu mới mẻ. Một số đạo diễn lặp lại chính mình, tạo vở mang phong cách “kịch cắm ca”. Đề tài hiện đại vẫn chưa thực sự sắc nét... 

Ban tổ chức đã trao 1 giải Xuất sắc cho vở “Đất liền và biển cả” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa). Có 6 vở diễn đoạt Huy chương vàng: “Vang bóng một thời” (Đoàn Chèo Hải Phòng), “Linh Từ Quốc mẫu” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Khóc giữa trời xanh” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), “Mật chỉ giữa Hoàng cung” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Nguyễn Đình Nghị” (Nhà hát Chèo Hưng Yên), “Thiên duyên huyền tích” (Nhà hát Chèo Thái Bình). Ngoài ra, có 6 vở diễn đoạt Huy chương bạc.

Về thành phần sáng tạo, Ban tổ chức trao giải Tác giả xuất sắc cho nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương với vở “Đất liền và biển cả”; Đạo diễn xuất sắc thuộc về Nghệ sĩ ưu tú Hoài Thu với vở “Linh Từ Quốc mẫu”; Nhạc sĩ xuất sắc là nhạc sĩ Vũ Thiềng với vở “Đất liền và biển cả”; Biên đạo múa xuất sắc là Thạc sĩ Hoài Anh với vở “Vang bóng một thời”. 

Cùng với đó, Ban tổ chức đã trao 44 Huy chương vàng, 66 Huy chương bạc cho các diễn viên.

Theo Hà Nội mới