Không khí tiến công như vũ bão của quân giải phóng về Sài Gòn vào tháng 4-1975 liên tục được phản ánh trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua giai điệu hào hùng, giục giã: “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù/ Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô”.
Dù ra đời trước ngày toàn thắng tới 9 năm song âm hưởng hùng tráng của ca khúc “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bút danh Huỳnh Minh Siêng) khiến người nghe có cảm giác như lời ca được cất lên từ chính giây phút lịch sử thiêng liêng ấy.
Sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng chia sẻ về số phận đặc biệt của bài hát này. Năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, ông đã có ý định viết một bài hát hướng đến ngày giải phóng Sài Gòn để cổ vũ, khích lệ quần chúng khắp miền Nam đứng lên giành độc lập tự do. Nhưng do quá bận, đến năm 1966, khi phong trào chống Mỹ cứu nước ở khắp hai miền Nam - Bắc phát triển rất mạnh mẽ thì ông mới hoàn thành ca khúc “Tiến về Sài Gòn”.
Một sự trùng hợp kỳ lạ giữa “Tiến về Sài Gòn” (1966) của Lưu Hữu Phước và “Tiến về Hà Nội” (1949) của Văn Cao: Đó là tính dự báo ngày toàn thắng mặc dù cả hai tác phẩm đều ra đời trước ngày chiến thắng từ 5 năm đến 9 năm. Điều này thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối của các nhạc sĩ vào ngày toàn thắng, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.
Giáo sư, Viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1989) là một trí thức lớn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đã để lại cho đất nước một di sản âm nhạc vô cùng quý giá. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiều tác phẩm của ông sống mãi với thời gian, như “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Tiếng gọi Thanh niên”, “Thiếu nhi thế giới liên hoan”, “Bài hát Giải phóng quân”, “Hành khúc giải phóng”, “Tình Bác sáng đời ta”, “Tiến về Sài Gòn”...
Đặc biệt, ca khúc “Giải phóng miền Nam” được đánh giá là một đỉnh cao về giá trị nghệ thuật và tư tưởng ở thể loại hành khúc quần chúng của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất (1987) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (1996).