Không ít bạn trẻ thích áo dài, áo viên lĩnh, giao lĩnh, nhật bình với nhiều màu sắc, họa tiết, hoa văn cực kỳ bắt mắt. Có thể thấy, những bộ cổ phục đang được hồi sinh trong xã hội đương đại.
Tôi gặp lại Nguyễn Đức Lộc một năm sau cuộc trò chuyện đầu tiên về dự án cổ phục của cậu. Một năm qua, Lộc đã làm được khá nhiều việc: thiết kế phục trang cho dự án phim cổ trang Phượng Khấu, thiết kế phục trang cho MV ca nhạc của các ca sỹ Hòa Minzy và Bùi Lan Hương, tổ chức một triển lãm ảnh cưới cổ trang, bên cạnh đó là nhiều buổi workshop khác để chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu, niềm đam mê cổ phục của cậu ra cộng đồng.
Trên thị trường, thương hiệu “Ỷ vân hiên” do Đức Lộc thành lập có chỗ đứng khá vững chắc trong số những công ty chuyên thiết kế cổ trang. Nguyễn Đức Lộc cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cổ trang đang trở thành xu hướng trong giới trẻ: “Rất mừng là hiện nay phong trào về cổ phục đã tạo ra một hiệu ứng nhất định, ảnh hưởng đến xã hội thông qua rất nhiều hoạt động và sản phẩm giải trí, thực sự đã tạo thành một xu hướng. Công chúng đã quan tâm tìm hiểu đến trang phục truyền thống nhiều hơn, nhất là các bạn trẻ”.
Lâu nay, nói đến trang phục truyền thống nhiều người “đóng đinh” trong tâm trí hình tượng chiếc áo dài, phổ biến là áo dài cho nữ, gần đây thịnh hành thêm áo dài cho nam. Nhưng theo Đức Lộc và một số nhà thiết kế trẻ khác, trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ có mỗi bộ áo dài mà là một hệ thống nhiều loại trang phục khác nhau, mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử thì lại có những loại trang phục không hề giống nhau.
Nguyễn Đức Lộc.
“Các cụ xưa dùng từ Hán ‘Quốc phục’ không phải để chỉ riêng một loại trang phục nào, mà để chỉ chung toàn bộ hệ thống trang phục từ của Vua, Chúa từ trong cung đình đến bên ngoài, từ tiền triều đến nội cung, tức là toàn bộ hệ thống trang phục của quốc gia đó để so sánh với hệ thống trang phục của quốc gia khác. Ví dụ như Nhật Bản hay Hàn Quốc có hanbok và kimono, nhưng hệ thống trang phục truyền thống của họ đâu chỉ có 2 loại đó. Người Hàn, người Nhật lựa chọn 1 loại trang phục trong hệ thống đó để làm biểu tượng văn hóa, tôn vinh, quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch và ứng dụng trong cuộc sống”, Đức Lộc cho biết thêm.
Xuất phát từ Đại Việt Cổ phong, một nhóm trên facebook gồm những bạn trẻ yêu thích các vấn đề lịch sử, Đức Lộc chọn cho mình hướng đi riêng nghiên cứu, tìm hiểu rồi biến những bộ cổ phục trên giấy thành hiện thực. Từ đó, những chiếc áo viên lĩnh, giao lĩnh, nhật bình... với hoa văn thời Nguyễn ra đời. Càng nghiên cứu sâu, Lộc càng ngỡ ngàng vì tính thẩm mỹ tuyệt vời trong những bộ cổ phục của ông cha ta từ hàng trăm năm trước: “Càng nghiên cứu sâu về cổ phục tôi càng thấy nó đúng là tinh hoa của cả một dân tộc. Người Việt chúng ta cũng có thẩm mỹ quan rất riêng và đặc sắc. Càng tìm hiểu tôi càng thấy, chỉ học hỏi các cụ về thẩm mỹ đã không hết rồi. Đến tận ngày nay vẫn đẹp quá, xuất sắc quá từ chất liệu đến những hoa văn, và nó vẫn đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu trong thời điểm hiện tại. Phải nói là tuyệt vời”.
Không chỉ Nguyễn Đức Lộc, có rất nhiều bạn trẻ khác đang say mê tìm hiểu và ứng dụng cổ trang cho các mẫu trang phục ngày nay. Trần Thị Trang và Nguyễn Thị Kiều Linh là những người như thế. Một người học dược, một người học thiết kế thời trang, cùng chung đam mê cổ phục, 2 cô gái trẻ có ý định cùng nhau mở cửa hàng kinh doanh cổ phục. Xuất phát ban đầu của cả 2 chỉ là tự làm những bộ trang phục cho mình, nhưng rồi được ủng hộ nhiều khiến Trang và Kiều Linh quyết dành toàn bộ tâm huyết đam mê cho lĩnh vực này: “Ở bên Trung Quốc em thấy người ta rất phát triển về cổ trang, cổ phục. Mình cũng thích mặc những đồ đấy mà lúc đó thì chưa có bên nào làm. Thế là bọn em mon men nghiên cứu, tìm hiểu, thấy nhiều người ủng hộ nên bọn em có cú hích để phát triển đến giờ. ”
Tuy nhiên, đến khi bắt tay vào làm thì Trang và Kiều Linh lại muốn phát triển theo 2 hướng khác nhau, Trang muốn phục dựng gần như nguyên gốc những thiết kế xưa, trong khi đó Kiều Linh lại muốn ứng dụng những hoa văn cổ thời Nguyễn, thời Lý, Trần vào những trang phục hiện đại mang tính cách tân. Trần Thị Trang cho biết: “Cuối 2017 đầu 2018, tự nhiên 2 đứa bọn em nói chuyện và lại đá sang mảng này, thế nên là định làm với nhau. Nhưng đến khi bắt tay vào làm thì lại thấy mỗi người có một định hướng khác nhau, chị định làm cái này em định làm cái kia. Thế nên về sau bọn em tách ra 2 shop, mỗi người đi theo định hướng riêng của mình”. Từ một, hai đốm lửa nhỏ, hiện nay, trào lưu mặc cổ phục lan rộng, không chỉ các bạn trẻ 9x, 2k mà những người lớn tuổi hơn cũng bắt đầu quan tâm và thử mặc.
Thế là, với đam mê và sự sáng tạo của những nhà thiết kế trẻ, những bộ cổ phục của 5-600 năm trước bỗng nhiên được hồi sinh. Một bộ phim bom tấn X-Men lấy tên là “Tương lai của quá khứ”, thiết nghĩ cái tên đó phù hợp với trào lưu mặc cổ phục, khi những bộ đồ của quá khứ được trao cho một sứ mệnh mới trong cuộc sống hiện đại. Thế mới thấy, người trẻ không thờ ơ với lịch sử, họ chỉ học và nghiên cứu lịch sử theo cách của mình mà thôi: “Bản thân em từng ngồi trên ghế nhà trường thì em thấy là chuyện thờ ơ với sách lịch sử là đúng, vì chữ trên đấy rất khô khan. Hồi bé cũng chưa có internet và những nguồn thông tin rộng rãi như bây giờ. Còn bây giờ có cơ hội tìm hiểu, được làm thì em thấy rất thoải mái và yêu lịch sử của mình hơn”.
Có lẽ đó mới là cách phù hơp để ứng xử với di sản. Trong một lần trao đổi, ông Kim Dong Il, Giám đốc Phát triển Sản phẩm Du lịch - văn hóa, Tổng cục du lịch Hàn Quốc từng nói rằng, cách tốt nhất để bảo tồn các di sản là “cho chúng một đời sống trong xã hội đương đại”:“Chúng tôi cho rằng, cách bảo tồn các di sản văn hóa tốt nhất là sử dụng nó thường xuyên. Ví dụ, một ngôi nhà cổ, cách bảo tồn tốt nhất không phải là cứ để nó như vậy, không động đến nó mà cách bảo tồn tốt nhất chính là để con người sống ở đó như trong một ngôi nhà bình thường. Một ngôi nhà, nếu có người ở, có hoạt động của con người thì nó mới có sinh khí, mới ấm cúng. Còn nếu không, nó sẽ trở nên lạnh lẽo, rất khó để biết phải sửa sang chỗ nào”./.