Thung lũng Nà hom

09:52, 14/10/2015

Chớm hè thằng Ón bắt đầu tính chuyện kiếm tính chuyện: Đi phụ vữa hay đi bóc măng? Nó ngồi thừ mặt ra vẻ suy nghĩ lung lắm Mẹ thằng Ón thấy nó phân vân chưa biết chọn việc nào, bà khoát tay vẫy nó lại gần bảo: - Đi phụ vữa thì liệu sức của con có dẻo dai không? Có chịu được nắng nóng gay gắt không: 11 giờ 30 mới được nghỉ đấy? Còn đi bóc măng thì leo trèo dốc núi, muỗi vắt kinh người con có kham nổi không?

Mẹ con thằng Ón bàn tính với nhau chưa ngã ngũ thì bổ thằng Ón đi đâu về, nghiêm mặt:

 

- Thôi, thôi! Không tính chuyện kiếm tiền bằng bóc măng hay phụ vữa. - Bây giờ mày phải đi học nghề thì mới có tiền… lệnh “vua” đã phát ra, “thần dân phải tuân thủ”: Ba hôm sau thằng Ón được bố nó đưa lên phố huyện giao cho học cái nghề sửa chữa xe máy. Thằng Ón nghĩ bố cho nó học nghề này cũng được. Cố tích cóp sau này dựng một cái quán cạnh đường đón khách sửa chữa cũng có đồng ra đồng vào. Chứ học biết sửa chữa mà về xóm Nà Hom thì sửa cho ai (cả xóm chưa đầy chục chiếc xe máy) thằng Ón nghĩ đúng: Xóm Nà Hom ở sâu trong chân núi Pha Điêng có muốn xuông đường cái phải vượt qua một cái dốc trước mặt cả làng. Từ trên đồi dốc xuôi xuống khoảng 300m mới chạm con đường cái đi lên phố huyện. Xóm Nà Hom, hay thung lũng Nà Hom có một ít ruộng bậc thang, chỉ có thể cáng đáng sự sống cho khoảng 17 hộ. Xóm 100% là dân tộc ít người (dân tộc Dao đỏ) đời sống dân bản đã khác xưa nhiều so với thời “ngả cây ăn ngọn”, du canh, du cư. Bây giờ bà con đã định cư lâu dài với cây lúa nước rồi. Nhưng so với vùng thấp, vùng miền xuôi thì đời sống sinh hoạt dân bản vẫn còn thấp. Công cụ sản xuất có cải tiến như diệp cày chìa vôi được thay thế bằng diệp 51. Bừa gỗ được thay bằng bừa sắt, đời sống bà con được nâng lên khá hơn. Nhưng cũng chỉ dừng ở mức trung bình. Đã vậy lực lượng lao động chủ lực lại bị thu hút vào các công ty, các xí nghiệp. Do đó xóm Nà Hom còn giữ được mức sống trung bình đã là khá lắm rồi...

 

Thằng Ón biết là không “cựa quậy” được với bố nó, nên đành yên trí học tháo lắp, sửa chữa hàng ngày từ sáng đến khuya. Nó biết rằng muốn bay, muốn nhảy như các bạn vào công ty nọ, công ty kia cũng không phải là chuyện dễ nếu bố nó không duyệt. Hơn nữa chính thằng Ón cũng hài lòng với công việc hiện tại. Nó thấy thích, thấy hợp với mình rồi đấy. Ông chủ thằng Ón ở trên phố huyện thật đa tài. Ngoài cái việc sửa xe máy ra, ông ta còn biết sửa cả đầu dọc, cả máy cày, máy bừa cái công cụ mà hiện nay đang thịnh hành ở các làng xóm. Cơ hội có một, thằng Ón học tất. Ông chủ thấy thằng Ón ngoài việc học rất sáng dạ nó còn là một thằng dễ sai, dễ khiến, ông ta rất hài lòng về nó…

 

Ba năm thằng Ón học nghề. Mới ba năm vắng bóng nó ở cái làng Nà Hom mà bây giờ người nó đã cao to ra, đi đứng có vẻ chững chạc, gặp ai cũng mồm mép lắm, không chê vào đâu được. Nhưng ai cũng thấy lạ: Ba năm nó trở về làng chỉ với cái túi đồ nghề sửa chữa: kìm, cờlê, mỏ lết… bây giờ nó mới lọ mọ đi vào các làng sửa chữa lưu động thì lúc nào mới có tiền mua xe, cưới vợ. Hôm thằng Ón gặp ông trưởng họ, Ón chưa kịp chào, ông trưởng họ đã hỏi nó luôn:

 

- Thằng Ón hử, mày đi đâu? - Dạ! Cháu đi sửa chữa máy ở làng bên.


-    Mày chưa có tiền mua xe đi à?


-    Dạ! cháu đi học nghề làm gì có tiền ạ!


-    Bố mày bác biết… chặt lắm đấy… không khéo mày phải ở thế đến già, nói gì đến xe.


Trên đường đi thằng Ón suy nghĩ: Ông bác nắn gân mình rồi. Để xem mình kêu la, dãy dụa đến đâu. Không hoảng, mình vẫn biết chắc bố mình không đến nỗi nào. Thế rồi sự phỏng đoán của thằng Ón thế mà “giỏi”: Đùng một cái bố thằng Ón bán ngay con trâu đực to nhất đàn. Ông đặt gói tiên trước mặt thằng Ón: - Đấy mày mua xe máy, hay để cưới vợ tùy mày, lấy gì thì chỉ được một thôi… Theo bố nên lấy vợ thì hơn… Thằng Ón biết bố nó có bực với câu nói của ông bác tưởng họ: “Bố mày chặt lắm đấy” nên mới tỏ ra phóng khoáng với nó. Thực ra được câu nói kích của ông bác trưởng họ cho nên thăng Ón mới được thuận lợi như thế. Cơ hội này lại một lần nữa trao cho thằng Ón, nó mừng lắm, ý định làm gì với số tiền ấy nó đã nghĩ ra trong đầu. Đặc biệt nó định làm gì thì chưa ai cậy răng được nó một lời…

 

Vào một buổi sáng sớm cuả một ngày đông giá rét. Cái rét cắt da, cắt thịt ở vùng rừng núi này làm mọi người từ gìà đến trẻ vẫn trùm kín trong chăn. Cả làng Nà Hom đang yên tĩnh trong những ngày sương giá. Chỉ có mây mù là phủ kín làng hoặc đang lượn theo chiều gió xoay quanh khu rừng già mà thôi. Bỗng tất thảy từ người đã dậy nhỏm lửa, đến người còn vùi trong đống chăn đều nghe văng vẳng đâu đây như trên đầu dốc có tiếng nổ lạ tai, tiếng nổ không hỗn độn, dồn dập như đốt nương, đốt rẫy. Tiếng nổ đều đặn, rất đanh giòn, to dần có chiều hướng tiến vào làng. Ai nấy trong nhà đều bật dậy, dồn con mắt ra phía đầu làng, mặc cho cái rét ùa tới… Tiếng nổ không đi vào làng mà nó ầm ì ngoặt ra cánh đồng phía trước mặt. Lúc bấy giờ tiếng ầm ì mới "tập trung" ở đấy. Khi mọi người kéo ra đến nơi thì tiếng nổ đã làm được một việc lạ thường: Những xá cày to đều, lật úp bát vào nhau thẳng tắp trên một ô ruộng. Bà con ai cũng trố mắt lên kinh ngạc:


- Thằng Ón, đúng thằng Ón rồi. Thấy bà con hối hả kéo tới. Thằng Ón dừng máy chào mọi người. Bà con vây quanh thằng Ón, nhìn nó như chưa gặp nó bao giờ, ai cũng chưa biết nói câu gì. Lát sau mới có người trong đám đông mở miệng:


- Ồ! Té ra bố con nhà Ón bán trâu đen lấy trâu đỏ. Sau đó là hàng loạt những câu hỏi những thắc mắc:


- Ón học chữa xe máy cơ mà? Sao lại biết dắt con trâu sắt về làng.


- Có con trâu sắt này chắc chắn làng ta sẽ vứt bỏ được cái cày chìa vôi, cái diệp 51.


- Ón à! Đợt này cháu cày giúp bác với nhé. Bác cầm cái cày mệt lắm rồi!


- Cày giúp cả làng đi. Cháu Ón nhé, không sợ thiếu tiền công đâu. Lại có người hỏi một điều khác:


- Sắm trâu sắt trước, vậy là cháu chưa muốn lấy vợ à? Tới câu hỏi này "buộc" Ón phải trả lời cho phải phép:


- Dạ! Cháu có phụ lái đây rồi ạ. Các bác xem liệu có duyệt cho cháu được không ạ. Thằng Ón chỉ vào cô gái đứng cạnh nó. Lúc bấy giờ mọi người mới chú ý tới. Cô gái chạc 18 tuổi, có nước da trắng mịn, khuôn mặt trái xoan, nổi bật sự thanh thoát giữa đám đông. Cô e thẹn trước mọi người, càng toát lên sự kiều diễm. Ai cũng trầm trồ: Tuyệt! Tuyệt! Cưới luôn đi... Nãy giờ ông bác trưởng họ mới có nhời:


- Cần gì phải đưa nhau đi công ty. Ở quê vẫn có việc làm cho con cháu mà.Vẫn dựng vợ gả chồng được mà. Mọi người đều gật đầu tán thưởng đảo mắt quanh thấy bố nó đang tươi cười với mọi người. Nó tin chắc rằng chỉ ngày mai thôi, bố nó sẽ lại ra lệnh như một ông “vua”:


- Cưới chứ! Tao nhắc lại có cưới hay không để tao còn tính… Ôi! Nếu đúng như thế thì còn gì vui sướng hơn. Đó là hạnh phúc mà. Lệnh của “vua” ban ra “thần dân” phải tuân thủ thôi…


Như đã hứa với bà con, sáng hôm sau thằng Ón đánh con trâu sắt ra đồng thật sớm. Với cái sức trẻ đầy nhiệt huyết loang loáng những đường cày của nó đã hòa trộn với ánh nắng ban mai, chào đón một ngày mới trên vùng quê thung lũng Nà Hom.