Thầy giáo không đứng lớp

17:01, 17/11/2015

Ở phố tôi, ai cũng gọi ông là thầy giáo - Thầy giáo Hiển, mặc dù ông chưa từng một ngày dạy học.

Người ta dành cho ông sự quý trọng này do ông là chủ tịch Hội Khuyến học của phường. Ông chuyển từ nơi khác về theo con, định cư ở thành phố. Trong các tài sản chuyển đến chỗ ở mới, dân phố nhìn thấy ông chuyển đến rất nhiều sách. Và họ nghĩ rằng ông Hiển chắc là học cao biết rộng, thế rồi người nọ truyền người kia, ông thành thầy giáo Hiển hồi nào chính ông cũng chẳng nhớ nữa.

 

Ông được giới thiệu rồi được bầu vào Hội đồng nhân dân của phường và đương nhiên ông ở trong Ban Văn hóa xã hội. Ông được bầu làm chủ tịch Hội Khuyến học phường.

 

Ông phân công các ủy viên ban chấp hành mỗi người phụ trách từng khu vực. Trong địa phận ông đảm nhận, ông đến từng nhà, lên danh sách từng cháu đang học các cấp từ mẫu giáo đến đại học và trên đại học. Ông động viên các tổ dân phố, các họ tộc, các hội đồng hương lập Quỹ Khuyến học để biểu dương các cháu học giỏi, các cháu đỗ đạt và các cháu nghèo vượt khó. Ai cũng quý mến ông. Rất nhiều cháu được ông đến tận nhà trao quà khuyến học, nên cháu nào cũng quấn quýt theo ông, bố mẹ nhiều cháu gọi ông là thầy. Riêng mấy đứa cháu lớp thấp lại gọi bằng ông, chúng coi như ông nội, ông ngoại vậy.

 

Thời kỳ chưa có điện thoại di động, nhiều em đi xa gửi thư về cho ông đều có một ước mong được ở gần thầy trong những lúc cô đơn hoặc trước những lựa chọn lớn để tìm một con đường đi cho riêng mình.

 

Nhận được lá thư nào của các em, ông đều cần mẫn viết thư hồi âm. Đọc dòng đầu mỗi bức thư với dòng chữ “Thưa thầy”, “Thầy kính yêu”, “Thầy của em”… ông Hiển thấy lòng mình thăng hoa, vui lạ. Tính ra, ông chưa được một lần lên bục giảng, vậy mà ông vẫn được tôn làm “thầy”. Ôi! Cái nghề “trồng người” thật cao quý và đâu phải cứ đứng lớp mới được gọi là “thầy”. Chỉ cần ta có tâm hồn coi “bọn trẻ” là người chủ của mai sau, khi ta đã ngả tuổi trước hoàng hôn. Thầy Hiển tự an ủi mình như vậy.

 

Gia đình ông Hiển là một tấm gương khuyến học. Hàng năm, đúng ngày Quốc khánh 2-9 các cháu nội, cháu ngoại đều tập trung ở nhà ông. Ông nhắc tên từng cháu, cháu nào lên lớp, cháu nào tốt nghiệp, cháu nào được giải thưởng trong năm ông đều biểu dương và có quà tặng rất ấn tượng. Có năm, ngày khuyến học của nhà ông, ông hào hứng công bố cho con cháu tin vui, con gái ông được cấp bằng tiến sĩ văn chương còn con dâu được nhận bằng tiến sĩ toán học. Đó là một ngày vui của cả dòng họ.

 

Ở các hội nghị, ông có tài diễn thuyết. Ông “nói vo”, không giấy tờ nhưng khúc triết và giàu sức thuyết phục.

 

Tôi tiếc cho ông, tôi bảo, ông phải là giáo sư mới đúng với tài năng của ông.

 

Hình như điều tiếc nuối của tôi đụng chạm đến một nỗi niềm sâu kín nào đó của ông, ông thẫn thờ một lát, rồi rút ruột rút gan nói với tôi một câu chuyện khá ly kỳ và đầy cá tính.

 

Ông nói: Lúc đi học, tôi giỏi Văn ngay từ nhỏ. Nói giỏi văn có nghĩa là tôi thuộc nhiều đoạn văn hay và thường đưa nó vào các bài viết của mình. Hồi lớp 5, lúc đó gọi là học cấp 2, một ông thầy dạy Văn rất giỏi - thầy Hoàn - thầy rất quý tôi. Trong chiến tranh chống Pháp, chúng tôi phải học ban đêm, đọc viết nhờ ánh sáng của chiếc đèn chai. Đêm hôm đó, thầy Hoàn hỏi một câu gì đó tôi cũng quên mất rồi, chúng tôi nhao nhao trả lời: Thưa thầy, em. Em. Riêng tôi vừa la em, em vừa búng ngón tay. Tôi nhớ tôi búng đúng hai cái tách tách.

 

Thầy Hoàn nghiêm mặt: Em nào búng tay? Chúng tôi xẹp hết cả xuống. Đêm tối, chúng tôi thì nhộn nhạo, chẳng ai nhìn thấy ai. Và tôi ngồi lặng thinh không dám tự thú việc làm vô lễ của mình.

 

Thầy Hoàn nói thêm: Búng tay là một cử chỉ bất lịch sự, nhất là trước mặt thầy.

 

Rồi thầy tiếp tục giảng bài, không hề tra xét và không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa. Tôi xấu hổ, ân hận không phải vì mình đã “bất lịch sự” như thầy nói mà tôi xấu hổ vì mình đã hèn nhát không dám nhận đã làm điều sai trái.

 

5 năm sau, tôi học xong lớp 10, hệ 10 năm phổ thông và nộp đơn thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn Sử. Tôi hồi hộp chờ đợi kết quả. Trong thời gian chờ đợi thì tôi nhận được thư của thầy Hoàn. Thầy báo tin tôi đã trúng tuyển vào đại học Sư phạm. Khi Hà Nội được giải phóng, thầy Hoàn về Hà Nội và làm cán bộ giảng dạy của Trường đại học Sư phạm. Thầy vẫn dành cho học sinh cũ của thầy mối quan tâm đặc biệt. Không biết thầy có chấm bài thi của tôi không nhưng thầy báo trước cho tôi kết quả thi khi nhà trường chưa phát giấy gọi. Thời kỳ đó vào được đại học không nhiều nên có giấy báo đỗ đại học là danh giá lắm, danh giá cả dòng họ, cả xóm làng. Đến khi tôi nhận được giấy gọi nhập học thì tôi không còn hồi hộp nữa. Có một bài văn của Liên Xô dạy về lòng trung thực. Chuyện kể rằng, một cậu học trò có tên là Vôlôđia đánh vỡ một chiếc cốc. Bà mẹ đi làm về thấy cốc vỡ, bà gặng hỏi: Ai làm vỡ chiếc cốc này. Cậu Vôlôđia đã đến trước mặt mẹ, cúi đầu tự nhận mình làm vỡ cốc mà cậu có thể đổ lỗi cho con mèo. Mẹ cậu khen con đã dũng cảm nhận thiếu sót để lần sau làm cẩn thận hơn.

 

Tôi tưởng tượng mình như thầy giáo Hoàn trong một tiết học dạy về lòng dũng cảm, trung thực cho học sinh, liệu tôi có dạy được không khi chính mình là kẻ hèn nhát và dối trá. Do tâm hồn tôi bị ám ảnh cái cảm giác nặng nề ấy nên tôi quyết định không vào đại học mà xin nhập ngũ đi bộ đội. Tôi hình dung ở quân đội cái gì cũng dứt khoát. Dũng cảm và hèn nhát, tiến hoặc lùi mọi cái đều rạch ròi, không có chỗ cho những người “nửa nạc nửa mỡ”.

 

Tôi hỏi thầy Hiển, thế việc làm của thầy có ích lợi gì với xã hội và mọi người không. Thầy vui vẻ bảo, chả có tích sự gì nhưng được cái đã tự trốn chạy khỏi môi trường sư phạm - dù mình rất say mê nó - mà ở đó người ta dạy sự thật thà cho hế hệ trẻ. Ngày ngày khỏi phải đối mặt với chính mình, mình thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản như nhận được một tấm huân chương không hiện vật vậy.

 

Tôi thắc mắc, sao thầy lại bộc bệch với em chuyện đào sâu chôn chặt mà không ai biết này. Ông cười: Thế mà cũng hỏi, tôi có tài diễn thuyết thì cũng chỉ vài ba chục người nghe rồi họ bỏ ngoài tai. Ông là nhà văn nhà báo, bài của ông viết ra cả ngàn người đọc, họ sẽ ngẫm nghĩ, liên hệ, biết đâu lại chả là bài học công dân cho xấp học trò ở các trường. Tôi bệnh cùng mình, quỹ thời gian chẳng còn bao lâu nữa. Thầy nản rồi hay sao, tôi cố tình trêu thầy Hiển, thầy lại muốn trốn chạy để về nơi “yên nghỉ”... phải không. Thế thầy muốn nhắn gì qua câu chuyện của mình. Thầy Hiển khiêm nhường: mình có dám dạy ai đâu, chỉ mong ai đọc và biết được câu chuyện của mình, họ có thể liên hệ với cuộc hành trình của họ. Chỉ mong ai cũng thật thà với mình, thầy cô giáo thì thật thà với học sinh, cán bộ thật thà với dân, với Đảng, cấp trên, cấp dưới đều thật thà với nhau.

 

Nếu họ không thật thà thì sao, tôi phản biện lại lập luận của thầy. Hình như thầy Hiển đuối lý với tôi về câu hỏi này. Thầy chỉ nở một nụ cười nhân nhượng, buông một câu như chiếc lá rơi “trời có mắt”.

 

Tôi nhìn kỹ gương mặt thầy giáo Hiển, thầy vẫn cười, một nụ cười như phảng phất cả nỗi buồn nhân thế.