Nón lá làng Mua

14:48, 19/03/2020

“Chùa Đá dựa lưng vào núi. Chùa được xây dựng hoàn toàn thủ công với loại đá quý hiếm trong vùng. Trên đỉnh núi ngay cạnh chùa, có nhiều tảng đá tựa như hình như đầu rồng, trong đó có một tảng hướng thẳng lên trời như một mũi khiên. Người dân làng Mua từ trước vẫn kể cho nhau câu chuyện ly kỳ thời nước ta chống giặc ngoại xâm. Khi ấy, có một vị thần được thiên đình cử xuống giúp nhân dân đánh giặc, sau khi đánh thắng giặc, ông cưỡi mây về trời, cởi bỏ bộ áo giáp và vũ khí lại trên đỉnh núi, sau này chúng hóa thành đá. Sau chùa Đá là hang động tự nhiên với thạch nhũ nhiều màu sắc. Các hang động này vòng quanh chùa như những địa đạo bí mật nên thời kháng chiến chống Pháp, nơi này được Trung ương lựa chọn làm nơi cất giấu vũ khí bí mật của quân đội. Còn chùa trở thành nơi sinh hoạt của các chiến sĩ cách mạng. Từ đây, chi bộ đảng đầu tiên của huyện được thành lập. Nhiều cuộc họp triển khai nội dung quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sau này cũng diễn ra ở đây”. 

Ông Khải chầm chậm dừng lời, đặt cuốn sách xuống, đôi mắt đầy suy tư. Những cô cậu sinh viên thực tập tròn xoe mắt nhìn ông không chớp.

- Ông ơi, ông kể tiếp đi ạ. Cháu nghe nói ngày trước, chùa Đá có hổ vào nghe đọc kinh đúng không ạ?

- Theo ghi chép của sư trụ trì trong cuốn sách này, thời đó xung quang làng Mua vẫn còn là rừng hoang, muốn lên chùa chỉ có một con đường. Một hôm, đúng giờ tụng kinh buổi tối, các sư trong chùa thấy con bạch hổ một chân đang chảy máu lênh láng tiến vào. Vị sư trụ trì điềm tĩnh ra hiệu cho mọi người ngồi xuống yên lặng tiếp tục tụng kinh. Rồi ông nhanh chóng ra sau chùa hái lá đắp vào vết thương cho con hổ. Nhờ lá thuốc mà trụ trì đắp, chân của con hổ đã dần bình phục. Vào mỗi buổi tối, khi các sư tụng kinh, nó nằm phủ phục ngoài cửa, quỳ hai chân trước, đầu gác lên, còn một chân sau thì choãi ra nghe. 

Ngoài giờ tụng kinh, vị sư trụ trì còn dạy cho người dân làng Mua cách làm nón lá. Vành nón lá làng Mua đặc biệt ở chỗ nó được làm từ trúc mọc sau chùa nên dễ uốn, bền và bóng, đẹp hơn hẳn vành nón các vùng khác. Tương truyền, rặng trúc này cạnh nơi sư trụ trì nhìn thấy con hổ ngoạm một đứa trẻ.

- Con hổ ăn thịt trẻ con hả ông, sợ quá!- Không nén được tò mò, một cô sinh viên cất tiếng hỏi. 

Ông Khải cười hiền từ như một ông tiên. Để ta kể nốt cho các cháu nghe nhé: Một sớm, vị sư trụ trì cùng các sư ra chỗ mạch nước chảy trên núi hứng nước về rửa mặt chợt nghe tiếng trẻ con khóc. Mọi người ngoảnh lại thì thấy bạch hổ đang ngoạm đứa bé chừng vài tháng tuổi. Khi vị trụ trì đến, con hổ liền thả đứa trẻ vào trong chiếc nón lá. Sư trụ trì cúi xuống bế bé lên, nó im bặt. Ông vội vàng đưa về, giao cho người chăm. Theo con hổ vào rừng, đến gần hang đá phía sau chùa, nhà sư nhìn phía trước thấy một người phụ nữ nằm bất tỉnh. Ông đoán, do đi lấy củi trên núi, không cẩn thận nên chị ta bị trượt chân ngã mất mạng. Rất may đứa trẻ nằm trên địu của mẹ đã được bạch hổ cứu sống. Từ đó, đứa trẻ được các sư nuôi lớn. Ngoài giờ đọc kinh phật, các sư còn dạy cậu bé khâu nón… 

Ông Khải dừng lời hồi lâu nhóm sinh viên mới như bừng tỉnh, nhao nhao hỏi: 

- Ông ơi, vậy số phận đứa bé đó thế nào ạ? 

- Ông ơi, con bạch hổ đó sau này ra sao?

Ông Khải từ tốn: 

- Đứa bé đó lớn lên, trở thành người khâu nón giỏi nhất làng Mua. Đó chính là ông nội của ông. Còn về con bạch hổ, sau khi vị sư trụ trì mất, nó cũng rời khỏi khu vực này không ai hay biết tung tích. 

Nhóm sinh viên ồ lên kinh ngạc.

- Đó là lý do vì sao bàn tay ông Khải khéo léo đưa lên từng mũi kim đường chỉ, kỹ thuật chằm nón không ai vượt qua ở làng này - Bà Quyên cất tiếng. Các cháu mà nghe ông Khải kể đến tối không hết chuyện xung quanh chùa Đá đâu. 

Rồi bà vừa đưa mũi kim lên khâu vành nón vừa ngâm nga câu hát: “Sao anh không về thăm quê em/Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên. (*) 

Nụ cười móm mém mang sắc màu mùa Thu cùng lời ca ngọt ngào của bà Quyên  làm mấy ông bà đang ngồi đó đều miên man hồi tưởng về thời hoàng kim của nón lá làng Mua. Chiếc nón lá từ bao đời nay đã là người bạn thân thiết của người dân làng. Nó là vật dụng che nắng, che mưa, là hồn cốt của làng. Hồi đó, hầu hết các gia đình của làng đều quây quần bên nhau khâu nón từ sáng sớm tới đêm khuya.

Ông Khải trầm ngâm: 

- Chỉ tiếc là qua bao thăng trầm của thời gian, người biết làm nghề nón lá đã vơi đi nhiều.

- Cũng vì nghề khâu nón thu nhập thấp quá nên người ta đua nhau đi làm ở các công ty - Bà Kháo buồn rầu nói.

- Nón làng tuổi nghề trăm năm có lẻ rồi, không thể để thất truyền. Từ nay, mỗi người cao tuổi phải có trách nhiệm truyền dạy nghề khâu nón cho một người trẻ. Mọi người nghe tôi thông báo một dự án mới. Huyện đang triển khai đề án phát triển du lịch cùng với bảo tồn, phát huy văn hóa lịch sử địa phương. Trong đó, chọn điểm du lịch cộng đồng làng Mua chúng ta. Làng nghề làm nón lá sẽ được phục hồi và gây dựng lại để phát triển du lịch gắn với Di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Đá linh thiêng - Ông Khải chợt thông báo

- Ôi đúng là một tin vui. Các ông bà ngồi đó đồng thanh. 

- Họ biết tôi là nghệ nhân làm nón của làng, cũng là Chủ nhiệm Hợp tác xã nón lá làng Mua nên đã mời họp. Theo dự án này, chúng ta sẽ có nhiều kinh phí để thực hiện việc dạy nghề cho lớp trẻ.

- Dạ, vậy chúng cháu viết bài, làm các video quảng bá cho quê hương ta có được không ông?

- Được thế thì tốt quá. Ông Khải cười khà khà nhìn nhóm sinh viên. 

***

Theo quy hoạch phát triển du lịch của huyện, hồ Trại Gạo giữa làng Mua đã được doanh nghiệp tư nhân đến đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, liên hoan, hội họp. Tua tham quan du lịch tâm linh từ Di tích lịch sử Quốc gia chùa Đá, du khách trải nghiệm làm nón lá rồi về ăn nghỉ lại hồ Trại Gạo bắt đầu được triển khai từ dịp Tết Nguyên đán. 

HTX làng Mua đang chuẩn bị đón một đoàn khách là sinh viên đến trải nghiệm nghề khâu nón. Mọi người nhộn nhịp ngồi khâu, chằm nón, từng công đoạn nhuần nhuyễn khớp vào nhau như một đoàn tàu không sai nhịp. Góc này một nhóm người chọn, gỡ, kéo lá. Trên nồi than ngoài sân, lửa rực cháy, lá nón đặt trên mặt lá gang nhẵn thín. Ánh lửa bập bùng soi chiếu những khuôn mặt hồng hào lấm tấm mồ hôi. Bên này một tốp người khéo léo sắp lá nón phẳng phiu đều tăm tắp. Ngồi đầu thềm, mấy bà, mấy ông đang say sưa chằm nón. Từng đôi bàn tay cầm cây kim xỏ vào dây cước chằm từ trên đỉnh nón xuống dưới, miệt mài như những con ong thợ. Ngoài nón lá trơn truyền thống, ông Khải và các nghệ nhân còn vẽ lên vành nón mỏng những bức tranh về chùa Đá, về dòng sông, ngọn núi với những hòn đá mang dấu ấn huyền thoại cùng nhiều câu thơ chứa chan nghĩa tình...

Ông Khải đưa mắt ra xa, phía bên chùa Đá, chợt vang vọng tiếng chuông ngân.

(*) Bài thơ “Đan nón” của Nguyễn Khoa Điềm