Tháng 3 âm lịch, hoa gạo đỏ rực cả một góc làng tôi. Hoa gạo bình dị, chẳng rực rỡ kiêu sa nhưng là mảnh ký ức trong trẻo gắn liền với tuổi thơ tôi. Đấy là tên nhà quê chúng tôi vẫn gọi, chứ nó có cái tên mỹ miều hơn: Mộc miên.
Mộc miên giờ hiếm lắm. Thật may mắn, cây mộc miên đầu làng tôi vẫn còn. Lặng lẽ, giản dị, nhẫn nhục trước sự đổi thay của xóm làng. Làng tôi đạt văn hóa, nhà nào cũng có con em đi công tác xa điều kiện kinh tế khá giả nên khi được huy động đóng góp xây dựng nông thôn mới đều đồng lòng ủng hộ. Cổng làng cũ kỹ, rêu phong dưới chân cây gạo già nua thô mộc ấy đã bị phá đi, thay bằng cổng làng cách tân. Còn cây gạo, chẳng ai dám đụng vào.
Mẹ tôi yêu hoa gạo, yêu màu đỏ rực cháy của nó như báo hiệu chiến thắng bởi sau ngày 30/4/1975, bố tôi từ chiến trường trở về. Năm sau, mẹ sinh ra chị tôi, đặt tên là Mộc Miên. Đúng như cái tên, chị hiền lành, nhường nhịn hết mức, thậm chí là trò để tụi trẻ trêu đùa, bắt nạt. Chị không lấy chồng, sinh con. Chị bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam mà bố tôi mang về từ chiến trường miền Nam. Mỗi lần nhìn chị, khuôn mặt xinh tươi nhưng lúc nào cũng ngây ngô như một đứa trẻ, bố tôi lại thở dài, đôi mắt ngước về phía xa xăm. Ánh mắt ấy sao mà giống với khi bố tiễn em trai út của tôi ra đi, mãi mãi ở tuổi lên 3 năm nào. Em trai tôi sinh ra người bé như cái kẹo, ở cái tuổi con người ta đã biết ngồi, biết bò, thậm chí biết đi, biết nói, nhưng em thì đặt đâu nằm đấy, cho gì thì ăn nấy. Tôi nhớ khi em mất, bố ôm mẹ đang khóc ngất vào lòng nói: “Thôi, con đi như vậy cũng là được giải thoát khỏi sự cực khổ”. Nhưng cả đêm ông ra ngoài đốt thuốc. Gian buồng tôi nằm sát với góc thềm bên hè, tôi nghe rõ tiếng bố thở dài, nắm tay đấm vào tường thùm thụp.
Chị Miên đã ngoài 40 tuổi. Chị vẫn chưa có chồng. Những người xung quanh làng đều không dám lấy chị vì sợ khi sinh con ra không được lành lặn (dù chị tôi là người lành lặn, thậm chí tôi thấy chị còn xinh đẹp nữa). Chỉ phải cái sức khỏe chị yếu, chẳng thể làm được công việc đồng áng nặng nhọc. Chị tôi hay bị đau đầu, chảy máu cam, ngất giữa đồng. Cái này thì chẳng giấu dân làng được. Có đận vụ mùa, đang cùng mọi người gặt lúa, chợt chị kêu chóng mặt, rồi ngã lăn quay ra, bố tôi phải vội vàng cõng chị về.
Mỗi lần tôi nghêu ngao lời bài hát “Chị tôi”: “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay, trời không đứng gió, cho ngày chị sinh…” là lại bị mẹ tôi lườm xéo cho tưởng cháy cả mảng da ở lưng, giọng bà đanh lại: “Mày thích thú khi thấy chị mày thế à mà còn ca với hát.”
Tôi chẳng thèm nhớ lời mẹ mắng, chẳng để ý sau câu nói ấy là tiếng thở dài như kéo theo cả nỗi buồn xuống tận đáy giếng làng của mẹ. Đùng một cái, vợ chồng tôi trên Thành phố nhận được tin về dự lễ ăn hỏi và cưới của chị. Người đàn ông muốn lấy chị tôi làm vợ tên Nghệ, nhà tận trong Thanh Hóa, là thợ xây ngoài này đã nhiều năm. Anh Nghệ “đứt gánh” giữa đường, có con riêng đang học lớp 6. Anh chấp nhận sau khi cưới sẽ ở rể nhà tôi, phụ việc và học nghề mộc mỹ nghệ của bố. Anh ấy có vẻ yêu thương chị thật lòng. Nhà anh Nghệ bố mẹ đều đã mất, chỉ còn một em trai nên mọi thủ tục rất đơn giản. Gọi là tổ chức đám cưới song hai bên họ hàng thống nhất anh chị lên xã đăng ký kết hôn rồi về công bố trước gia đình, vẻn vẹn chỉ có dăm ba mâm cỗ.
Chị tôi đã có chồng. Chị tôi còn danh chính ngôn thuận có con. Một bé trai kháu khỉnh tuy có hơi nhẹ cân vì mẹ nói bị sinh non. Gia đình tôi chưa hưởng trọn niềm vui khi cu Tý tròn một tuổi thì bỗng một hôm, anh Nghệ đi giao hàng về nổi giận đùng đùng nói:
- Mẹ xem con cưới tháng 4, đáng lẽ phải tháng giêng năm sau Miên mới sinh. Sao đằng này chưa tháng 12 đã sinh rồi.
Mẹ tôi sau chút ngạc nhiên đã nhanh chóng giải thích :
- Chẳng phải vợ con sinh non đó sao ?
- Mẹ nghĩ con không biết gì nên lừa gạt con phải không? Làng trên xóm dưới nói con ngu, con không ăn ốc mà đổ vỏ.
…Mọi chuyện vỡ lở. Anh Nghệ bỏ đi. Chị Miên ngẩn ngơ cười nhìn anh ôm balo quần áo rời khỏi nhà, ngẩn ngơ nhìn thằng bé khóc. Mẹ tôi quát lên:
- Dỗ con đi, còn ngồi đó nữa. Có con rồi mà vẫn như trẻ ranh. Xong mẹ lại tru tréo: Ối giời ơi là giời, có ai thương tôi không hả giời!
Thấy chị tôi vẫn trơ như gỗ đá, bà bật khóc, đến gần bồng đứa bé lên tay, gạt nước mắt hát ru điệu buồn nhất: “Cái cò mà đi ăn đêm ớ ơ/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng”…
Sự thật lúc này mới được bố mẹ tiết lộ. Gã công nhân về thi công cầu Cao Mây cạnh làng, thấy chị tôi không được thông minh nên đã lừa gạt rồi khiến chị có bầu sau đó biến mất. Mẹ phát hiện ra sự việc khi cái thai đã khoảng vài tháng. Tính toán mọi lẽ, bà đã đánh tiếng để chị lấy anh Nghệ, để cháu bà có người được gọi là bố đàng hoàng, để con gái bà không mang tiếng chửa hoang. Nhưng nào ngờ, anh Nghệ chân chất thật thà không để ý chứ những kẻ rỗi việc nhàn mồm (mẹ tôi rủa thế) vẫn phát hiện ra điều bất bình thường đó và đặt điều với anh. Thật may cháu trai tôi lớn lên khỏe mạnh, không hề bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Nhưng chị tôi chẳng được hưởng niềm vui trọn vẹn bên con trai của mình. Chị đã theo em út của tôi ra đi vào một đêm cuối xuân. Bố tôi tìm thấy chị đang gục bên gốc cây hoa gạo, trong tay vẫn ôm chiếc gối bông gạo mềm nhẹ như tơ. Trên người chị, phủ sương đêm cùng những cánh hoa gạo đỏ nhức nhối.
Bố tôi buồn nhưng không khóc. Dường như ông đã lường trước được sự việc này sớm muộn cũng xảy ra. Sau đám tang chị, tôi dắt thằng Tý đi ra đầu làng. Sắp hết tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch là lúc hoa gạo tàn dần, trước khi bước vào mùa hè rực nắng. Thằng Tý đã 6 tuổi và chuẩn bị bước vào lớp Một. Hôm nay, tôi đón nó lên Thành phố, chuẩn bị cho đi học cùng hai con của mình.