Nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bạn đọc nghĩ ngay đến một trong những nhà văn thành công khi viết về đề tài thanh, thiếu niên với hàng loạt truyện ngắn, truyện dài nằm lòng bao thế hệ học trò. Nhưng cùng với những tác phẩm viết cho trẻ thơ, Nguyễn Nhật Ánh cũng có những tác phẩm viết cho người lớn mang dấu ấn đặc biệt. Chuyện cổ tích dành cho người lớn là tập truyện ngắn như vậy.
Chuyện cổ tích dành cho người lớn đúng nghĩa là cuốn sách… dành cho người lớn với hai mươi câu chuyện, chủ yếu viết về những tình huống bình dị trong cuộc sống gia đình. Nếu chuyện cổ tích dành cho trẻ con thường bắt đầu bằng ngày xửa ngày xưa và cái kết luôn có hậu, thì chuyện cổ tích cho người lớn không phải lúc nào cũng mang cái kết có hậu. Có những chuyện đơn giản xuất phát từ ý tốt, nhưng lại dẫn đến một cái kết chẳng mấy tốt đẹp. Đơn giản vì đó là chuyện của “người lớn”. Tác giả dùng “cổ tích” để nói về những câu chuyện đầy tính “đời”, chúng đều là câu chuyện dễ bắt gặp, quen thuộc với cuộc sống của con người hệt như những câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em.
Những câu chuyện đời nho nhỏ, đôi khi chỉ là những tình huống, nhưng nó luôn có sự phát sinh sau đó, luôn tồn tại để người đọc suy diễn. Cái hay của tác phẩm chính là mang những thứ tưởng chừng là bi kịch kể ra một cách nhẹ nhàng, phần nhiều là buồn cười, hài hước như: “Con ruồi nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của nhũng chuyện tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó” (Con ruồi).
Không một dòng triết lý, chỉ đơn thuần là kể, là cảm giác, để người đọc tự ngẫm, tự tư duy nếu bắt gặp bản thân mình đâu đó. Cuốn sách giúp người ta nhìn nhận bế tắc cuộc đời bằng đôi mắt vui tươi và vượt qua nó một cách nhẹ nhàng.