Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương, vốn Ngân hàng Thế giới (WB) và các nguồn vốn khác, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai thực hiện hàng chục công trình cấp nước cho người dân vùng nông thôn. Bên cạnh những công trình đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương, đơn vị còn trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác hàng chục công trình, đảm bảo phát huy hiệu quả.
Hiện nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đang trực tiếp quản lý, vận hành 23 công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của trên 20,6 nghìn hộ dân. Để các công trình hoạt động hiệu quả, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng như duy trì độ bền của máy móc, thiết bị, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng luôn được đơn vị chú trọng.
Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt xã Nam Tiến (T.X Phổ Yên). Tuy đã được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhưng đến nay, công trình vẫn duy trì, đảm bảo cung cấp nước cho gần 1.400 hộ dân trên địa bàn. Ông Lê Văn Hiền, Tổ trưởng Nhà máy nước xã Nam Tiến cho biết: Do được đầu tư xây dựng, lắp đặt từ lâu nên hệ thống máy bơm, đường ống đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa, hạ tầng giao thông ở các khu dân cư thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống kết cấu đường ống dẫn nước. Một số người dân chưa có ý thức bảo vệ, giữ gìn công trình… nên công tác quản lý, vận hành, bảo quản, sữa chữa gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nhân lực lại mỏng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đồng thời hỗ trợ nhau để hoàn thành công việc được giao, đảm bảo cung cấp nước ổn định cho người dân.
Qua tìm hiểu thêm tại một số công trình ở các địa phương khác như: Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), Xuân Phương (Phú Bình), Động Đạt (Phú Lương)…, chúng tôi nhận thấy, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng như các tổ vận hành đều rất nỗ lực trong việc quản lý, sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả các công trình cấp nước.
Ở mỗi công trình do Trung tâm quản lý, đơn vị đều thành lập các tổ vận hành, phân công ca trực rõ ràng, cụ thể, thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục; có sổ ghi nhật ký vận hành, theo dõi, sửa chữa, bảo dưỡng… nhằm duy trì, quản lý và phát huy công trình hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, công tác vận hành, quản lý các nhà máy và hệ thống đường ống dẫn nước đến nhiều khu vực dân cư hiện vẫn còn gặp khó khăn. Nhiều công trình sử dụng nguồn nước ngầm nên bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, mưa lũ, nước ngầm ngày càng hạ thấp dẫn đến cạn kiệt, nguồn nước không ổn định; một số công trình đã được đầu tư nâng cấp từ lâu, nay đã bắt đầu xuống cấp.
Mặt khác, nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế nên việc đầu tư sửa chữa khó thực hiện. Cùng với đó thì nhận thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, vận hành, bảo vệ công trình chưa cao. Một bộ phận người dân chưa có thói quen dùng nước trả phí nên vẫn chấp nhận sử dụng nước ngoài công trình, không đảm bảo chất lượng…
Để tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo trì các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, tổ vận hành ở các nhà máy đã phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân được trực tiếp thụ hưởng công trình. Hàng năm, Trung tâm tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng và các cách xử lý sự cố thường gặp trong quá trình vận hành công trình, sử dụng thành thạo bộ dụng cụ sửa chữa công trình cấp nước tập trung. Cùng với đầu tư xây dựng mới, trên cơ sở đánh giá hiện trạng các công trình, đối với những công trình còn tận dụng được, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đều xây dựng kế hoạch sửa chữa. Từ đó, đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định, chất lượng cho người dân nông thôn.