Ngày 24-11, Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 với chủ đề: "Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn" đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu chào mừng sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022. |
Phát biểu chào mừng hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là đưa các hoạt động của chúng ta lên môi trường số. Đồng nghĩa với việc cần phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học...
Vì vậy, bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc là "thực sao - ảo vậy" - nghĩa là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi hiệp hội, doanh nghiệp an toàn thông tin mạng hãy chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
"Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết luôn đồng hành cùng hiệp hội và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác và phát triển", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Nguyễn Thành Hưng khẳng định, hiệp hội đã khảo sát 135 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về bảo đảm an toàn thông tin và kết quả cho thấy nổi lên một số vấn đề lớn.
Cụ thể, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ khi bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại; 87% tổ chức, doanh nghiệp cho biết lo sợ yếu tố con người, 58% lo sợ yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về tội trộm cắp quy trình về an toàn thông tin; 68% đơn vị chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hằng năm.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa báo cáo về tình hình An toàn thông tin Việt Nam năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. |
Cập nhật về tình hình an toàn thông tin mạng năm 2022, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết, trong 11 tháng năm 2022, Cục đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ các hệ thống thông tin đã phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ mới chỉ đạt 54,8%.
Vì thế, năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là Năm kỷ cương, tuân thủ quy định về an toàn thông tin. Theo đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm hệ thống thông tin theo cấp độ.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2024, cho dừng vận hành các hệ thống thông tin không đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn. Năm 2023 lấy chủ đề dữ liệu số, với một số nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bảo vệ dữ liệu, nâng cao nhận thức, liên minh tuyên truyền và tổ chức chiến dịch tuyên truyền.
Cũng trong phiên hội thảo toàn thể, Bộ Thông tin và Truyền thông trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho Hiệp hội An toàn thông tin nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin