Thời gian qua, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù được cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Lực lượng Công an thăm, động viên cơ sở sản xuất đồ gỗ công nghiệp của anh Trần Văn Minh, ở tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên. |
Hơn 2 năm sau khi tái hoà nhập cộng đồng, anh Trần Văn Minh (ở xóm Ngò, xã An Khánh, Đại Từ) giờ là chủ một cơ sản xuất đồ gỗ công nghiệp với gần chục nhân công ngay giữa trung tâm TP. Thái Nguyên. Trao đổi với chúng tôi, chàng trai sinh năm 1997 tỏ ra tự tin và cởi mở: Những lầm lỡ của tuổi trẻ khiến em phải chịu án 18 tháng tù. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để bản thân tự nhìn nhận lại mình một cách nghiêm túc và sửa chữa. Nhờ cải tạo tốt nên em được giảm án 5 tháng.
Trong thời gian cải tạo, anh Minh học thêm được nghề mộc. Trở về địa phương, anh mở một xưởng sản xuất nhỏ tại nhà. Được chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở động viên, anh quyết định thành lập công ty, gây dựng thêm xưởng thiết kế và sản xuất gỗ công nghiệp tại tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên).
Vốn đầu tư ban đầu cho nhà xưởng và máy móc là gần 2 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho vay 200 triệu đồng. Anh Minh phấn khởi nói: Khách hàng ngày càng đông, em đã thu hồi vốn và có lãi được khoảng 5 tháng nay. Trong xưởng có 2 người từng cải tạo ở Trại giam Phú Sơn 4 về đây cùng làm, mức lương trung bình của nhân công từ 10-15 triệu đồng/tháng tuỳ vào trình độ.
Cũng giống như anh Minh, anh Trần Quốc Diện, ở xóm Cổ Lũng, xã Cổ Lũng (Phú Lương), từng nhận án phạt 9 năm tù giam. Nhờ chấp hành nội quy và cải tạo tốt, anh được 4 lần giảm thời hạn án, tổng cộng 23 tháng. Anh Diện bảo: “Lúc mới trở về địa phương tôi có mặc cảm và sống thu mình lại. Tuy nhiên, gia đình và các tổ chức đoàn thể ở xóm luôn đồng hành, động viên khiến bản thân dần tự tin và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Anh Diện cùng 2 anh trai đầu tư máy cày và máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ cho bà con địa phương; đồng thời mở một quán sửa chữa xe máy điện cạnh Quốc lộ 3. Thêm niềm vui nữa là anh tìm được hạnh phúc khi kết duyên với cô gái trẻ, đảm đang ngay cạnh nhà.
Vợ chồng anh Trần Quốc Diện mở quán sửa chữa xe máy điện cạnh Quốc lộ 3. |
Ông Lưu Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, nhận xét: Không chỉ chú tâm lao động sản xuất, anh Diện còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Nhằm giúp đỡ anh Diện và những người từng lầm lỡ khác trên địa bàn, UBND xã chỉ đạo lực lượng Công xã, phân công các trưởng xóm trực tiếp hỗ trợ, huy động các đoàn thể vùng vào cuộc động viên, chia sẻ…
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.907 người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thuộc diện tái hoà nhập cộng đồng. Trong thời gian chấp hành án tại các trại giam và trại tạm giam, cơ bản phạm nhân được đào tạo, định hướng nghề nghiệp và kỹ năng tìm kiếm việc làm để tái hoà nhập cộng đồng.
Khi trở về địa phương, lực lượng Công an đã trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn họ trình diện chính quyền cơ sở và ký cam kết không tái phạm tội. UBND cấp xã phân công người quản lý, giúp đỡ; thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu biện pháp quản lý, giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho họ dần ổn định cuộc sống.
Thượng tá Lưu Công Nguyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), cho biết: Chúng tôi thường xuyên tham mưu các văn bản chỉ đạo; trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc lực lượng thi hành án hình sự cấp cơ sở tham mưu cho UBND các cấp lập hồ sơ, quản lý, giáo dục và là lực lượng chủ công thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng. Đồng thời giao chỉ tiêu mỗi công an cấp huyện xây dựng ít nhất 2 mô hình quản lý, giáo dục và hướng nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Công an tỉnh cũng đã ký quy chế phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh về giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viện nữ và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng, giai đoạn 2021-2026.
Với những người đã chấp hành xong án phạt tù, điều quan trọng nhất là giúp họ có được việc làm, sớm ổn định cuộc sống. Do vậy, chính quyền, lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tăng cường phối hợp để thông tin, tuyên truyền; chú trọng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế.
Vì vậy, nhiều người lầm lỗi đã tìm được việc làm ổn định, dần xóa bỏ những rào cản để ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin