Mặc dù ở khu vực nông thôn nhưng nhiều năm qua, người dân xóm Cây Hồng, xã Yên Lãng (Đại Từ) lại gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Vào những tháng cuối năm, bà con trong xóm phải đi xin từng xô nước về dùng. Nhiều gia đình đã bỏ ra một số tiền lớn để khoan giếng nhưng vẫn phải sống trong cảnh “khát” nước sinh hoạt.
Bà Phạm Thị Vẻ nhờ hàng xóm vận chuyển đất, đá giúp sau khi khoan giếng xong. |
Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, bà Phạm Thị Vẻ, xóm Cây Hồng, xã Yên Lãng, phải đi làm giúp việc cho một gia đình ở gần nhà, với thu nhập mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng đầu tháng 1 này, bà Vẻ đã phải chi 34,6 triệu đồng để khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Với số tiền lớn như vậy, bà Vẻ buộc phải đi vay mượn.
Bà Vẻ bộc bạch: Thiếu ăn thì còn nhịn được chứ thiếu nước sinh hoạt khổ lắm! Mặc dù gia đình đã khoan tới 3 cái giếng, mỗi lần hết 2 triệu tiền dầu nhưng cũng không đủ nước dùng. Hằng ngày, tôi phải đi xin nước nhà hàng xóm. Vừa qua, tôi thấy một số hộ trong xóm khoan giếng bằng máy nén khí (khoan ở tầng sâu) nên gia đình cũng thuê thợ về và khoan tới 75m. Hiện nay, gia đình tôi đã có nước dùng thoải mái, nhưng còn sau này, không biết thế nào!
Tương tự, để có nước dùng, gia đình anh Vũ Văn Tân, sống cách nhà bà Vẻ khoảng 400m cũng phải bỏ ra số tiền 31 triệu đồng để khoan giếng. Anh Tân cho hay: Để máy khoan có thể vào được bên trong, gia đình tôi phải tháo dỡ mái hiên. May thay gia đình nhờ được anh em làm giúp, chứ nếu tính cả công tháo dỡ và lắp lại mái hiên chắc cũng phải tốn gần 40 triệu đồng. Đây cũng là số tiền do 2 vợ chồng chắt chiu, dành dụm cả năm trời từ việc đi làm công nhân.
Ở Cây Hồng, gia đình bà Trần Thị Chí, dì ruột anh Tân, được coi là một trong những hộ may mắn hơn cả, khi chỉ mất hơn 26 triệu đồng đã có nước dùng. Bà Chí bảo: Mặc dù may mắn hơn nhưng số tiền nay tôi cũng phải tích góp trong hơn 2 năm.
Còn đối với gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, một trong những hộ nghèo của xóm, thì không đủ kinh phí để có thể khoan giếng ở tầng sâu. Bà Hoa buồn rầu: Vừa qua, thấy nhiều hộ khoan giếng và có đủ nước để dùng, gia đình tôi cũng định khoan nhưng khi hỏi ra mới biết mỗi 1m có giá 300 nghìn đồng, chưa kể dây diện, ống nước, máy bơm… nên tôi đành thôi.
Xóm Cây Hồng hiện có 129 hộ dân, với 511 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60%. Chia sẻ về thực trạng thiếu nước tại xóm, ông Hoàng Văn Hanh, Trưởng xóm Cây Hồng cho biết: Trước đây, nguồn nước ở xóm dồi dào lắm, nhà nào cũng chỉ cần đào một cái giếng khơi là đủ nước sinh hoạt quanh năm. Tuy nhiên, khoảng gần 20 năm nay, người dân trong xóm gặp không ít khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, xóm Cây Hồng có tới 1/3 số hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đa phần hộ nào cũng đã khoan giếng, thậm chí nhiều hộ còn khoan tới 6-7 cái giếng nhưng vẫn không đủ nước dùng. Vừa qua, khoảng chục hộ trong xóm phải thuê máy khoan giếng bằng máy nén khí, trung bình khoan sâu trên 50m thì mới có nước dùng.
Theo người dân trong xóm, nguyên nhân dẫn đến nước sinh hoạt của bà con ngày càng khan hiếm có thể là do Cây Hồng nằm gần với moong khai thác than của Công ty Than Núi Hồng.
Hiện nay, mặc dù đã bỏ ra một số tiền lớn so với thu nhập để khoan giếng nhưng những hộ dân ở xóm Cây Hồng vẫn không dám chắc có đủ nước dùng trong một thời gian dài hay không. Bởi thế, bà con nơi đây mong ngóng Nhà nước sớm đầu tư cho một công trình nước sinh hoạt tập trung, giúp họ vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống để tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin