Trong nhiều ngày qua, cộng đồng người Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch quyên góp nhu yếu phẩm, quần áo để hỗ trợ người dân sở tại vượt qua thảm họa động đất kinh hoàng.
Chiếc xe chở hàng cứu trợ với dòng chữ: "Sớm khỏe nhé, Thổ Nhĩ Kỳ" mang theo tấm lòng của bà con người Việt Nam tại Istanbul gửi tới các nạn nhân vùng bị ảnh hưởng bởi động đất. |
Cả Thổ Nhĩ Kỳ buồn đau
Sống tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cách tâm chấn động đất khoảng 1.000km, anh Dương Nam Phương vẫn chưa hết bàng hoàng trước thảm họa khiến gần 24.000 người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (tính đến sáng 11/2).
Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra rạng sáng 6/2 đã làm rung chuyển biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là trận động đất mạnh nhất tại khu vực này trong gần 1 thế kỷ qua.
Sáng hôm đó, anh Phương đã giật mình khi thấy trên tất cả các bản tin, trang báo đều là những hình ảnh đổ nát, thương đau. Mặc dù đã sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ 14 năm, từng trực tiếp trải qua một vài trận động đất, trong đó trận lớn nhất có độ lớn 5,8 nhưng anh vẫn cảm thấy “kinh hoàng khi xem những đoạn video ghi lại cảnh những tòa nhà đổ sập xuống”.
Những tòa nhà bị đổ sập sau trận động đất ngày 6/2. |
“Trước đó, trong 2 năm 2019-2020, 2 trận động đất liên tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Vì vậy, khi biết thông tin trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra, kèm theo 2 lần rung chấn sau đó, tôi đã lường trước hậu quả của thảm họa này”, anh Phương kể lại.
Suốt 24 giờ tiếp theo, những thông tin liên tục từ hiện trường truyền về khiến tất cả những người có mặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, dù xa hay sát khu tâm chấn đều cảm thấy bủn rủn. Số người chết tăng lên chóng mặt theo từng giờ.
Bản thân anh Phương cũng có gia đình chị vợ đang sống trong vùng bị ảnh hưởng. Khi biết thông tin, ngay lập tức anh đã gọi ngay tới gia đình người thân. Nghe anh chị kể lại, khoảng 4 giờ sáng họ đang ngủ thì thấy rung chấn dữ dội. Cả nhà cuống cuồng chạy ra ngoài chờ trời sáng và không có ai bị thương vong.
Không được may mắn như thế, một người bạn thân của Phương đã mất đi cả cha mẹ sau khi tòa chung cư họ sinh sống tại thành phố Hatay đổ sập xuống trong thảm họa hôm 6/2.
“Khu vực xảy ra động đất nằm ở các tỉnh đông nam. Đây là khu vực phần lớn làm nông nghiệp nên hạ tầng không bằng Istanbul. Một số nơi lại có mưa, tuyết khiến cho công tác cứu hộ càng trở nên khó khăn hơn”, anh Phương thông tin.
Thời tiết khắc nghiệt cản trở các nỗ lực giải cứu người bị mắc kẹt trong những đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng như đang đe dọa hàng nghìn người mà nhà ở của họ vừa bị động đất tàn phá. |
Chị Nam Phương, một cô dâu người Việt sinh sống tại Diyarbakir trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân tối 10/2 cho biết: Chị vẫn không thể quên cảm giác rung lắc khủng khiếp khi trận động đất xảy ra. Khi đó khoảng hơn 4 giờ sáng, chị Phương đang ngủ thì thấy tiếng động rất lớn. Sau đó mặt đất rung lắc dữ dội. Biết là động đất, chị chỉ kịp ôm con gái chạy ra ngoài. Chung quanh, tiếng nổ, tiếng đổ vỡ liên tục vang lên. May mắn, tòa nhà của chị ở không bị đổ sập.
Từ thành phố Eskişehir, chị Vũ Nam Phương Anh cảm nhận thảm họa theo một cách khác. Khoảng 6 giờ sáng 6/2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), chị bị đánh thức khi điện thoại liên tục réo chuông. Từ đầu dây bên kia, bố chị liên tục hỏi tình hình sức khỏe, hỏi xem cả gia đình có bị động đất không. Lúc này, chị mới biết thảm họa vừa xảy ra cách chị chừng 1.200km.
Nhanh chóng liên lạc với một người bạn sống tại Diyarbakır, nơi chịu ảnh hưởng lớn từ trận động đất, chị được biết bạn mình vừa kịp thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Các tình nguyện viên chuẩn bị thực phẩm cho người dân tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. |
Do cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 150 người nên ngay sau khi trận động đất xảy ra, bà con đều nhắn tin, hỏi thăm và kiểm tra thông tin về sự an toàn của nhau. Rất may mắn, tính tới thời điểm hiện tại, không có người Việt nào chịu thương vong do thảm họa hôm 6/2.
“Trong vài ngày qua, dù ở đâu, dù là người Việt Nam hay Thổ Nhĩ Kỳ đều chìm trong không khí u ám, ảm đạm. Tất cả đều tạm gác lại công việc riêng để hướng về vùng thảm họa, xem có giúp đỡ được phần nào không. Đây có lẽ là trận động đất sẽ đi vào lịch sử thảm họa của cả loài người”, anh Dương Nam Phương, quản trị viên của group Cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ.
Sớm khỏe lại nhé, Thổ Nhĩ Kỳ
Chỉ một vài giờ đồng hồ sau thảm họa, Dương Nam Phương lòng nóng như lửa đốt. Sau khi suy nghĩ một hồi lâu, anh quyết định đăng dòng trạng thái lên group cộng đồng lớn nhất của người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Lời kêu gọi ngay lập tức nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Ít lâu sau, khoảng 10 anh chị em tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chung tay quyên góp quần áo mùa đông, nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho đợt đầu.
“Khi quần áo được các anh chị em đưa tới, chúng tôi sẽ chia tách ra thành từng thùng theo lứa tuổi, bên ngoài ghi rõ số lượng bao nhiêu, dành cho bé nam, bé nữ hay người lớn nhằm rút ngắn thời gian cứu trợ tại hiện trường. Các vùng tâm chấn thời tiết đều đang rất lạnh, mọi người cần áo quần hơn bao giờ hết”, anh Phương thông tin.
Cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nạn nhân vùng thảm họa. |
Ngay sau đó, các thùng hàng sẽ được trực tiếp chuyển đến các điểm nhận ủng hộ theo quy định của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền địa phương sử dụng một nhà kho rất lớn, có khoảng 4-5 xe tải chở hàng. Cứ một xe đầy là lập tức di chuyển. Ngoài quần áo còn có thức ăn, đồ uống, lò sưởi đốt củi và tất cả tư trang cần thiết.
Sau đợt hỗ trợ đầu tiên, một số công ty, tổ chức biết thông tin nên tiếp tục tìm đến nhóm của anh Phương đề nghị làm đầu mối hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa.
“Tính tới ngày 10/2, chúng tôi tiếp tục nhận được 50 thùng hàng thực phẩm sẵn từ hai công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có bốn thùng quần áo người lớn dành cho mùa đông do anh chị em cộng đồng quyên góp. Toàn bộ 54 thùng hàng đã được giao cho chính quyền quận Bakirkoy của Istanbul. Sau khi nhận, chính quyền quận Bakirkoy đã ký nhận và chân thành cảm ơn sự ủng hộ của toàn thể người dân Việt Nam cũng như các cá nhân, tổ chức hướng tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ", anh Phương nói.
Những thùng hàng hỗ trợ được đóng gói và vận chuyển tới các điểm nhận cứu trợ. |
"Chúng tôi quan niệm, tương trợ đồng bào sẽ không có quan niệm về đất nước, dân tộc. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc này, tất cả đều đồng lòng hướng về những nạn nhân vùng thảm họa”, anh Phương cho hay.
Cũng theo quản trị viên group Cộng đồng người Việt Nam, hiện nhóm của anh vẫn tiếp tục nhận được nhiều lời đề nghị giúp đỡ chăn màn, quần áo… “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai việc hỗ trợ cụ thể trong tuần tới”, anh Phương thông tin.
Điểm đặc biệt là trên các thùng hàng đều được in hình quốc kỳ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cùng dòng chữ đầy xúc động: "Sớm khỏe lại nhé Thổ Nhĩ Kỳ!" (Gegmis Olsun Türkiye).
“Chúng tôi quan niệm, tương trợ đồng bào sẽ không có quan niệm về đất nước, dân tộc. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc này, tất cả đều đồng lòng hướng về những nạn nhân vùng thảm họa”, anh Phương tiếp lời.
Những thùng hàng với 2 lá quốc kỳ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cùng dòng chữ: Sớm khỏe nhé, Thổ Nhĩ Kỳ ơi. |
Từ trong nước, rất nhiều người Việt Nam cũng muốn gửi gắm chút tấm lòng tới các nạn nhân. Chị La Thục Trinh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã liên hệ với các đầu mối tại Istanbul để chuyển khoản một chút tiền nhỏ. “Rất nhiều người như tôi. Chúng tôi chỉ mong góp thêm một chút hơi ấm cho nước bạn trong hoàn cảnh khó khăn này”, chị Trinh chia sẻ.
Ở cấp cao hơn, liên tiếp trong 2 ngày 9-10/2, 100 chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với tinh thần “Thương người như thể thương thân”.
Những ngày này, khắp nơi trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, đâu đâu người ta cũng thấy cảnh tập trung quyên góp và chuyển nhu yếu phẩm đến những thành phố tâm chấn. Những đoàn xe dài cứ chở đầy hàng lại nối đuôi nhau đi.
Thổ Nhĩ Kỳ ơi, sớm khỏe lại nhé!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin