Bảo đảm an toàn bếp ăn trường học trong tiết trời nồm ẩm

Vi Vân 09:14, 11/02/2023

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn gây hại phát triển, dẫn tới một số bệnh về đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người, trong đó có các em học sinh. Chính vì vậy, những ngày này, các bếp ăn trường học trên địa bàn huyện Phú Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Khay chia cơm cho học sinh luôn được bộ phận nhà bếp của Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn sấy trong tủ sấy, ở nhiệt độ 70 độ C nhằm diệt vi khuẩn, nấm mốc.
Khay chia cơm cho học sinh được nhà bếp của Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đặt trong tủ sấy ở nhiệt độ 70 độ C nhằm diệt vi khuẩn, nấm mốc.

Ông Nguyễn Đình Toán, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình, cho biết: Trên địa bàn huyện có 20 trường mầm non, 21 trường tiểu học. Trong đó tất cả các trường mầm non và  Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn có bếp ăn và tổ chức nấu ăn cho trên 11.000 học sinh ăn trưa tại trường. Với số lượng học sinh ăn bán trú lớn như vậy, công tác đảm bảo VSATTP luôn được Phòng chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm, đặc biệt là trong những ngày thời tiết ẩm như hiện nay. Theo đó, chúng tôi yêu cầu các nhà trường tuân thủ nghiêm quy tắc "một chiều" trong chế biến thực phẩm; thường xuyên vệ sinh, lau khô khu vực nhà bếp; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và lưu mẫu thực phẩm theo quy định…

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tại bếp ăn của Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn, Nhà trường tuân thủ nghiêm quy tắc "một chiều" trong chế biến thức ăn; nhân viên nhà bếp thường xuyên dùng vải khô để thấm nước, lau sàn, tránh trơn trượt mỗi khi nền nhà “đổ mồ hôi”…

Chị Lại Thị Lý, quản lý bếp ăn của Nhà trường, thông tin: Trường có 900/1.155 học sinh đăng ký ăn bán trú. Trong tổ chức cho học sinh ăn bán trú, công tác đảm bảo VSATTP luôn được chúng tôi chú trọng, đặc biệt là vào những ngày thời tiết nồm ẩm như hiện nay. Ngay từ khâu lựa chọn thực phẩm, chúng tôi chọn những loại thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, dễ chế biến và sử dụng hết trong ngày. Với 9 nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thức ăn tại bếp, chúng tôi luôn nhắc nhở mọi người, trước khi vào bếp phải thay trang phục riêng; khay chia thức ăn cho học sinh sau khi rửa xong phải tráng lại bằng nước sôi, sau đó cho vào tủ, sấy ở nhiệt độ 70 độ C…

Còn tại Trường Mầm non Tân Đức, cô giáo Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cho hay: Nhà trường hiện có gần 700 trẻ ăn bán trú, việc để trẻ có những bữa ăn an toàn luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Khoảng 1 tuần nay, thời tiết liên tục nồm ẩm, dễ gây nấm, mốc nên chúng tôi đã yêu cầu 14 cô nuôi ở 2 địa điểm của Nhà trường khi chế biến thực phẩm phải kê lên vị trí cao ráo; dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín phải tách biệt; xoong nồi sau khi rửa xong phải tráng lại bằng nước sôi và xếp lên giá; bát ăn cho học sinh rửa xong, xếp trải đều vào tủ để sấy khô…

Không chỉ ở 2 trường học trên, qua giám sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cho thấy, tất cả các trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh trên địa bànđều thực hiện nghiêm túc công tác VSATTP cho học sinh. Qua đó, đảm bảo cho học sinh có những bữa ăn an toàn, chất lượng, kể cả trong những ngày thời tiết nồm ẩm.

Tuy nhiên, giảm thiếu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình yêu cầu các trường học tuyệt đối không chủ quan, lơ là, kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, đảm bảo thực phẩm đưa vào nhà trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, Phòng cũng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất các bếp ăn trường học. Từ đó kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở các trường những khâu thực hiện chưa tốt để học sinh có những bữa ăn an toàn.