Sau khi loạt bài 3 kỳ “Tảo hôn và những câu chuyện buồn” đăng tải trên báo in và Thái Nguyên điện tử các ngày 23, 24 và 25-2, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả. Hầu hết độc giả đều nhận định loạt bài đã phản ánh chân thực, sinh động về vấn nạn tảo hôn ở Thái Nguyên, nhất là tại miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Cán bộ y tế tuyên truyền về pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình, kế hoạch hóa gia đình tại xã Phú Thượng (Võ Nhai). |
Phản hồi từ dư luận
Độc giả Hoàng Hiệp ở xã Phú Đình (Định Hóa) cho hay: Bài viết rất cuốn hút khi miêu tả chân thực và sinh động thực trạng tảo hôn ở vùng cao. Tôi ấn tượng nhất là những hình ảnh trong video được đăng tải kèm bài viết. Nghe những lời nói ngây ngô của trường hợp tảo hôn ở xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai (xuất hiện trong video kèm bài viết ở Kỳ 1), tôi không khỏi xót và thương cho những người trẻ thiếu hiểu biết nên đã làm hại đến cuộc sống, tương lai của chính mình.
Nhà báo Vân Khánh, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, chia sẻ: Loạt bài đã phản ánh những sự thật rất đáng buồn của vấn nạn tảo hôn tại Thái Nguyên. Đọc bài viết, tôi cảm nhận được những hệ lụy dài lâu mà thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu.
Chị Giang Hảo, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), nhận định: Bài viết này là một lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh ở thành phố phải gần gũi, quan tâm giáo dục con em mình nhiều hơn. Như vậy mới giúp lũ trẻ tập trung học tập, hướng vào các hoạt động lành mạnh, không yêu đương sớm, quan hệ tình dục không an toàn và có thai ngoài ý muốn dẫn đến tảo hôn. Rất mong Báo Thái Nguyên có thêm những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống như thế này…
Đáng nói, loạt bài cũng được cán bộ một số địa phương ở huyện Võ Nhai đặc biệt quan tâm. Sinh ra và lớn lên ở xã Phương Giao (Võ Nhai), nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ông Đặng Thành Quang trước đây là Phó Bí thư Đảng ủy xã Phương Giao, nay đã được luân chuyển về xã Bình Long (Võ Nhai), tâm sự: Bài viết đã chia sẻ những thông tin rất thực tế về vấn nạn tảo hôn và mở ra hướng đi mới trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình tại cơ sở.
Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến (Võ Nhai), nói: Mong rằng, qua bài viết này, các cấp, ngành chức năng hiểu hơn và chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở, để có sự phối hợp tốt hơn nhằm ngăn chặn vấn nạn tảo hôn. Đồng thời có sự quan tâm nhiều hơn nữa trong quá trình triển khai các chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Và ý kiến của luật sư
Thạc sĩ Luật Ngô Thị Hồng Ánh, thường trú tại tổ 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), hiện là giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, thông tin: Độ tuổi kết hôn là một trong những điều kiện cần để có thể thực hiện việc kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Khoản 8 Điều 3 của Luật này quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định; việc tảo hôn là một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình. Điểm a Khoản 1 Điều 8 của Luật quy định: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” mới đủ tuổi kết hôn.
Những thông tin trong loạt bài “Tảo hôn và những câu chuyện buồn” đăng tải trên Báo Thái Nguyên cho thấy, tình trang vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình đang xảy ra tại một số địa bàn của tỉnh, nhất là ở miền núi, vùng cao, đặc biệt khó khăn.
Căn cứ quy định của Luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự và xử lý việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm về tuổi kết hôn.
Về trách nhiệm hành chính, hành vi kết hôn với người chưa đủ tuổi (tảo hôn) hay tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án.
Về trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Như vậy, trường hợp tổ chức tảo hôn cho con (em, cháu), ngoài việc bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm về tuổi kết hôn, theo Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc kết hôn trái pháp luật xử lý như sau: Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và pháp luật về tố tụng dân sự. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.
Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Từ những quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các cơ quan pháp luật của tỉnh nên vào cuộc đánh giá tính chất, mức độ vi phạm của các vụ tảo hôn để xử lý theo quy định, nhất là đối với các trường hợp tái phạm tổ chức tảo hôn nhằm răn đe và ngăn chặn vấn nạn tảo hôn tái diễn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin