Góp vốn vào Tâm Lộc Phát: Không thể đạt siêu lợi nhuận

Nhóm P.V 19:09, 20/03/2023

Ngay sau khi Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết “Cẩn trọng khi góp vốn vào Tâm Lộc Phát”, nhiều bạn đọc bày tỏ quan tâm và đề nghị Tòa soạn tiếp tục có những phân tích kỹ hơn về nội dung này. Đa số các ý kiến cho rằng không thể có đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính nào có thể trả cho người góp vốn mức lợi nhuận cao như thế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên trao đổi xung quanh việc huy động và cho vay của các ngân hàng hiện nay. Đồng thời khẳng định, không có ngành, nghề lĩnh vực nào đạt được mức lợi nhuận để chia cho người góp vốn cao như Tâm Lộc Phát.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên trao đổi xung quanh việc huy động vốn và cho vay của các ngân hàng hiện nay. Đồng thời khẳng định, không có ngành nghề, lĩnh vực nào đạt được mức lợi nhuận để chia cho người góp vốn cao như Tâm Lộc Phát.

Chủ doanh nghiệp nói gì?

Bà Nguyễn Thị Thanh, giám đốc một doanh nghiệp tại phường Tân Thành, TP. Thái Nguyên, bày tỏ: Tôi thấy lạ là đã có rất nhiều người trắng tay, thậm chí trở thành con nợ tiền tỷ chỉ vì ham lãi suất cao, mà vẫn chưa đủ cảnh tỉnh với nhiều người khác. Chỉ cần thấy chỗ nào huy động cao là họ sẵn sàng đổ tiền vào, mà không cần biết công ty đó ở đâu, hoạt động ra sao, người đứng đầu thế nào…? Có thể với mỗi loại hình kinh doanh thì mức độ lợi nhuận sẽ khác nhau, nhưng có một điểm chung là không thể nào chịu đựng được nếu trả lãi quá cao. Với ngành kinh doanh sắt thép như chúng tôi, chỉ cần phải vay trên 6%/năm là doanh nghiệp đã thấy khó khăn rồi. Vì trung bình mỗi tấn thép, chúng tôi chỉ lãi khoảng 30-50 nghìn đồng, đó là chưa kể các chi phí khác đi kèm.

Cũng có chung nhận xét như bà Nguyễn Thị Thanh, ông Trần Tuấn Đạt, đại diện một công ty sản xuất bê tông ở TP. Sông Công, phân tích: Khó có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nào có thể hoàn vốn trong vòng chưa đến một năm. Những doanh nghiệp sản xuất mà đạt tỷ suất lợi nhuận 20%/năm, hoàn vốn trong vòng 5 năm đã là quá lý tưởng. Doanh nghiệp thương mại thì càng khó hơn và có thể nói là không thể. Vì ngoài lãi suất tiền vay, doanh nghiệp còn phải chịu rất nhiều chi phí khác, như: Thuê mặt bằng, lương nhân công, khấu hao tài sản, làm thị trường, đối ngoại.

Ông Đạt chia sẻ thêm: Việc bán “chịu” cho một khách hàng nào đó, chúng tôi cũng phải xem xét họ hoạt động thế nào, thậm chí phải có người đứng ra bảo lãnh. Đằng này, một doanh nghiệp ở một tỉnh khác, khách hàng không biết họ hoạt động ra sao, mà chỉ qua lời giới thiệu rồi góp vốn thì quả là quá mạo hiểm…

Ngân hàng “sửng sốt

Nhìn nhận ở góc độ cho vay, đại diện nhiều ngân hàng (NH) không khỏi “sửng sốt” trước mức chia lợi nhuận cho người góp vốn của Tâm Lộc Phát. Bởi bao năm nay, những lĩnh vực mà Công ty này hoạt động (theo bản hợp đồng góp vốn), chưa có ai “người thật, việc thật” làm được điều đó. Đặc biệt là 3 năm trở lại đây, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVID-19 thì càng khó.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, phân tích: Cuối năm 2022, khi lãi suất cho vay tăng trên 10%/năm, DN đã “kêu trời”. Năm nay, các DN sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh. Dư nợ cho vay từ đầu năm tới nay vì thế tăng trưởng rất chậm. Do vậy, nhiều ngân hàng thời gian qua đã đồng loạt hạ lãi suất huy động và hạ lãi suất cho vay. Hiện, lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NH khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,4%/năm.

Có thể nói, lãi suất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự “tồn vong” của phần lớn DN, đặc biệt là những DN phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Tâm Lộc Phát là một trong những DN huy động vốn lớn. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay mà đưa ra mức cam kết trả lợi nhuận cho người góp vốn như vậy là rất cao.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Sau khi đọc bài viết, nhiều người liên tưởng với vụ “vỡ hụi” Quỳnh Anh và một số vụ việc khác tương tự đã xảy ra. Tuy cách thức huy động đã được biết đến từ nhiều năm nay nhưng vẫn luôn mới với những biến tướng khác nhau. Tất cả đều nhắm vào lòng tham của con người.

Bạn đọc Trang Vũ bình luận: Nghe đã thấy có mùi lừa đảo. 3 năm qua và cả hiện nay, doanh nghiệp phải đối mặt với biết bao khó khăn, NH có lúc phải hạ lãi suất xuống 6-7%/năm để “cứu” DN, vậy mà họ vẫn trả được cho người góp vốn “siêu khủng” đến thế thì phải trao Huân chương mới được.

Còn bạn đọc Nguyễn Tuấn Đạt đề xuất: Cơ quan Thuế cần cung cấp cho chính quyền nghĩa vụ tài chính của đơn vị này thì sẽ biết ngay họ hoạt động ra sao.

Nicknam Đăng Nguyên viết: Sao các bác ấu trĩ thế nhỉ? Tiền có phải lá mít đâu mà lại “ném qua cửa sổ” thế không biết? Họ chăn cho lớn rồi bùng một phát, thế là hết. Lúc đó lại khối gia đình tan nát.

Chị Nguyễn Ngọc Thu ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, sau khi đọc bài báo, gọi điện cho chúng tôi chia sẻ: Mẹ tôi nghe hàng xóm giới thiệu cũng góp vào Tâm Lộc Phát 20 triệu đồng, giờ còn định góp thêm 20 triệu nữa. Chúng tôi khuyên mãi không được. May mà có bài báo, bà mới tỉnh ra phần nào. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra báo cáo tài chính của DN này, để trên cơ sở đó đưa ra khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác…