Cẩn trọng khi góp vốn vào Tâm Lộc Phát

Nhóm P.V 17:38, 17/03/2023

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty Tập đoàn Tâm Lộc Phát (địa chỉ số 27-V5A Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) có Chi nhánh tại Thái Nguyên. Với mức lợi nhuận “khủng” cùng nhiều chính sách ưu đãi và được trả tiền hàng ngày vào tài khoản ngân hàng khiến nhiều người không ngần ngại “đầu tư” vào Công ty này từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Hội nghị khách hàng được Tâm Lộc Phát tổ chức ngày 26/2/2023 thu hút khoảng 200 người tham gia.
Hội nghị khách hàng được Tâm Lộc Phát tổ chức ngày 26/2/2023 thu hút khoảng 200 người tham gia.

Những lời quảng cáo “đường mật”

Hội nghị khách hàng do Tâm Lộc Phát tổ chức tại TP. Thái Nguyên hồi cuối tháng 2 và giữa tháng 3 vừa qua thu hút rất đông người tham gia, đa phần là phụ nữ trung tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành lân cận, nhiều nhất vẫn là Thái Nguyên. Nhiều người trong số này đã tham gia góp vốn. Hội nghị diễn ra trong không khí an ninh được thắt chặt, với sự có mặt của 5-6 bảo vệ. Khách hàng được yêu cầu không dùng điện thoại quay hình, chụp ảnh.

Theo giới thiệu của Tâm Lộc Phát: Công ty thành lập được 4 năm, hiện có hơn 60 văn phòng chi nhánh trên toàn quốc. Tại Thái Nguyên có văn phòng tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và huyện Phú Bình. Công ty hoạt động với “một hệ sinh thái” kinh doanh, gồm: Truyền thông và tổ chức sự kiện; chuỗi cà phê nghệ sĩ; bất động sản; hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp; taxi du lịch; báo điện tử; kênh truyền hình...

Những người tham dự chủ yếu được nghe Tâm Lộc Phát “lăng-xê”, quảng cáo về Công ty, như: Doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; các chuyến du lịch trong nước và nước ngoài dành cho khách hàng; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; buổi tiệc liên hoan… Còn hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ra sao, sử dụng nguồn vốn góp của “nhà đầu tư” thế nào thì hầu như không được nhắc tới.

Ngoài ra, Công ty còn tặng thưởng cho khách hàng mới tham gia góp vốn từ 20 triệu đồng trở lên. Góp càng nhiều, thưởng càng cao, trong đó, mức thưởng thấp nhất là 300 nghìn đồng, nhiều nhất là 1 xe máy SH và 1 cây vàng (tối thiểu 120 triệu đồng) cho người góp vốn 5 tỷ đồng…

Biểu tính thanh toán lợi nhuận và gốc cho người tham gia góp vốn vào Tâm Lộc Phát.
Biểu tính thanh toán lợi nhuận và gốc cho người tham gia góp vốn vào Tâm Lộc Phát.

Đến… lợi nhuận khủng

Khi trao đổi với một số người đã góp vốn, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là họ không có nhiều thông tin về Công ty này, ngoài những gì được nghe lãnh đạo Công ty và nhân viên Văn phòng chi nhánh tại Thái Nguyên giới thiệu. Họ cũng chưa từng một lần đến trụ sở Công ty, càng không biết gì về hoạt động của các dự án mà Công ty nhắc đến...  

Bà N.T.N, một khách hàng mới góp vốn 20 triệu đồng vào Công ty, chia sẻ: Được người bạn giới thiệu, động viên, tôi quyết định góp vốn vào đây. Sau 48 giờ, đều đặn mỗi ngày, tài khoản của tôi được chuyển 80 nghìn đồng. Mỗi tháng được trả 24 ngày, tính ra được 1,92 triệu đồng/tháng. Theo nội dung hợp đồng thì sau 15 tháng, tổng số tiền tôi sẽ nhận được là 28,8 triệu đồng. So với gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì tổng số tiền tôi nhận lại được nhiều hơn đáng kể. Gửi nhiều hay ít hơn thì cách tính cơ bản tương tự (thấp nhất là 5 triệu đồng).

Tìm hiểu thêm về hoạt động của Công ty này, chúng tôi tìm đến 1 Phòng giao dịch của họ tại Thái Nguyên. Theo lời giới thiệu của một nhân viên ở đây thì ngoài số tiền nhận được theo bản hợp đồng, những người góp từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng 10% hoa hồng/số vốn góp của những khách hàng do mình giới thiệu; còn dưới 500 triệu thì mức hoa hồng là 5%. Những người trẻ tuổi còn có cơ hội được nhận vào làm việc tại Công ty…

Một phòng giao dịch của Tâm Lộc Phát tại Thái Nguyên.
Một phòng giao dịch của Tâm Lộc Phát tại Thái Nguyên.

Và những rủi ro tiềm ẩn

“Kiểm chứng” một trong những lĩnh vực hoạt động Tâm Lộc Phát giới thiệu, chúng tôi tìm kiếm trên Google Kênh truyền hình “Tâm Lộc phát TV” thì thấy đây là 1 kênh Youtube, với vỏn vẹn hơn chục clip. Trong đó hiện lên giao diện chính là clip phát trực tiếp về Tiệc tất niên của Công ty Tập đoàn Tâm Lộc Phát, đăng cách đây 2 tháng; phía dưới có 15 clip, với một nửa giới thiệu về Công ty, số còn lại ghi là “Bản tin kinh tế Tâm Lộc Phát”, mỗi clip kéo dài từ 4-8 phút…

Trao đổi với đại diện một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh về “Hợp đồng góp vốn” của Tâm Lộc Phát, chúng tôi nhận được những ý kiến như sau: Hợp đồng góp vốn không thể hiện rõ góp vốn vào việc gì cụ thể; người góp không có cơ sở để kiểm chứng Công ty này làm gì? Mức độ thành công, rủi ro ra sao? Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, khách hàng muốn góp vốn vào bất cứ công ty, doanh nghiệp nào cũng cần làm rõ lịch sử chứng minh đã làm những gì? ở đâu, lợi nhuận đạt được; lần này huy động vốn vào việc gì? tiến độ thực hiện...

Còn theo người đứng đầu một văn phòng luật sư tại Hà Nội: Hình thức thứ nhất: Đối với huy động vốn góp nhằm tăng vốn điều lệ thì Công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ chứ không phải huy động vốn như tổ chức tín dụng (vi phạm luật các tổ chức tín dụng). Hình thức hai: Góp vốn theo lĩnh vực thì không được pháp luật quy định, bản chất vẫn là huy động vốn, nội dung quy định sơ sài, không rõ nguồn trả nợ. Hình thức ba: Bán cổ phần ra công chúng thì phải đáp ứng điều kiện của công ty đại chúng.

Một điểm khác đáng chú ý là trong khi Tâm Lộc Phát cho rằng lợi nhuận mà người góp vốn nhận được là 2,9%/tháng (34,8%/năm), nhưng theo cách tính của ngân hàng thì lên tới 115%/năm (vì số tiền gốc và lãi đã được trả theo ngày, nhưng người góp vốn vẫn được trả ở mức cố định suốt 15 tháng).

Với mức lợi nhuận phải trả “siêu cao” thế này, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một công ty “ăn nên làm ra” như vậy lại không vay vốn ngân hàng với lãi suất chỉ bằng 1/10 so với việc huy động vốn đang làm? Phải chăng vì Tâm Lộc Phát không đủ điều kiện?

Rõ ràng, có nhiều điểm bất thường trong hoạt động huy động vốn của Tâm Lộc Phát. Người dân nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi góp vốn vào Công ty này cũng như vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào, tránh những hệ lụy đáng tiếc.