Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức. Theo đánh giá, việc lấy ý kiến đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, triển khai việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với mọi tầng lớp nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận, các vị ủy viên Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên; đoàn viên, hội viên, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh.
Theo đó, thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1 đến 15/3/2023. Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như: Triển khai bằng văn bản; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhóm zalo; tổ chức các hội nghị lấy ý kiến...
Riêng Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Hội nghị đầu tiên lấy ý kiến của các đại biểu là nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực đất đai; các hội đồng tư vấn, ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, một số tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo. Hội nghị thứ hai lấy ý kiến của một số cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh; các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thế Đề, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, bày tỏ: Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giúp tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của đội ngũ trí thức, nhà quản lý và người dân.
Còn ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên, cho rằng: Từ thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 còn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Điều này khiến các cấp, ngành chức năng, nhất là ở cơ sở, khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án khá vất vả. Bởi vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai và sự tham gia góp ý của toàn dân trong lĩnh vực này là rất cần thiết.
Theo kết quả tổng hợp, đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức được 925 hội nghị lấy ý kiến, với trên 32.000 lượt người tham dự. Đã có gần 3.600 ý kiến đóng góp, tập trung vào các nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; về đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; phát triển quỹ đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hạn mức giao đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất, hộ gia đình sử dụng đất…
Một số ý kiến đề nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có tầm nhìn hợp lý, tránh việc gây ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân; trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần có quy định về thời hạn hoàn thành tái định cư, bổ sung làm rõ một số điều kiện để được hưởng chính sách tái định cư; quy định rõ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...
Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nêu cụ thể nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai hiện hành về thu hồi đất, chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí đối với các trường hợp được Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi; đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện, trình tự sử dụng đất thực hiện dự án thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất, đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...
Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đánh giá: Chất lượng các ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các hội nghị cũng như ý kiến được gửi bằng văn bản về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều đạt chất lượng tốt. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quý để Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai lần này. Các ý kiến đóng góp đã được Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đảm bảo đúng tiến độ theo quy định...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin