Đồng hành, chăm lo đời sống lao động nữ

Vũ Công 08:19, 16/03/2023

Xác định lao động nữ có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đội ngũ này. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo động lực để lao động nữ gắn bó với công việc, doanh nghiệp.

Điều kiện và môi trường làm việc cho lao động nữ luôn được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm đặc biệt. Trong ảnh: Lao động nữ tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công) đang kiểm tra sản phẩm.
Điều kiện và môi trường làm việc cho lao động nữ luôn được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Lao động nữ làm việc tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công).

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 230.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Trong tổng số trên 153.500 đoàn viên công đoàn, tỷ lệ nữ chiếm 64% và tổng số ban nữ công quần chúng trong toàn tỉnh là 1.038.

Lao động nữ hiện có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều nhất là trong các ngành: Y tế, giáo dục, may mặc, điện tử. Mặc dù đội ngũ nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các khu vực. Nhiều lao động đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, mới trải qua đào tạo ngắn hạn, do đó tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn…

Trước thực trạng đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động trong nữ công nhân lao động, như: Thăm hỏi, tặng quà; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về giới, gia đình; tôn vinh nữ công nhân lao động tiêu biểu… Cùng với đó, các cấp công đoàn cũng đẩy mạnh việc nâng cao trình độ cho lao động nữ, với hàng nghìn lượt người được tham gia các lớp bồi dưỡng mỗi năm.

Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Ngoài việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ, các cấp công đoàn còn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để kịp thời giải quyết những vướng mắc ngay tại cơ sở. Đồng thời, tham gia xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các chế độ đối với lao động nữ; tham gia sắp xếp, bố trí lao động phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh của lao động nữ. Công đoàn cơ sở cùng với đơn vị sử dụng lao động thường xuyên quan tâm đến môi trường làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bố trí chế độ làm việc trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.... Trong năm 2021 và 2022 đã có trên 25.000 nữ đoàn viên được tiếp cận với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Chị Lăng Thị Đoài, công nhân làm việc tại Công ty TNHH SR Tech (Khu công nghiệp Sông Công I), cho hay: Biết gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn nên trong thời gian làm việc tại Công ty, tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo cho đến các cấp công đoàn. Hàng năm, tôi đều nhận được lời động viên và những phần quà  ý nghĩa nhân dịp Tháng công nhân, Tết cổ truyền của dân tộc. Cùng với đó, tôi còn được tham gia khám sức khỏe định kỳ, hoạt động khám sức khỏe miễn phí do công đoàn cấp trên tổ chức. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn, giúp tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống và yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Ngoài những nội dung kể trên, hàng năm, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Công đoàn cũng phối hợp với các cấp, ngành tham gia kiểm tra, giám sát tại các đơn vị về việc thực hiện Điều lệ Công đoàn, chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ...

Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh: Mặc dù công tác nữ công trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hiện nay, lực lượng lao động nữ vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như vấn đề ổn định việc làm, áp lực công việc lớn, nhu cầu ổn định chỗ ở, chăm sóc con cái…

Vì thế, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ cùng với LĐLĐ các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc tư vấn về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ; tham gia vào quá trình thương lượng, thỏa thuận với người sử dụng lao động để có những chính sách có lợi hơn cho lao động nữ về tiền lương, thưởng, giảm giờ làm để lao động nữ thực hiện tốt chức năng làm vợ, làm mẹ trong gia đình…