Tháng 3, nhân loại có một ngày “trọng đại” - Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3). Năm nay, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã phát động, tổ chức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng) trên toàn tỉnh. Đây là một "cú hích" để khởi động lại phong trào xây dựng gia đình văn hóa có chất lượng cao hơn, góp phần làm nên một xã hội công bằng, văn minh, phát triển bền vững.
Vợ chồng ông bà Dương Minh Huệ - Nguyễn Thị Thắng, ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) cùng các cháu nội, ngoại. |
Hạnh phúc là cách ứng xử có văn hóa giữa các thành viên trong gia đình. Hạnh phúc chỉ sản sinh ra những "bông hoa đẹp" khi trong gia đình có lối sống nền nếp, trên thuận, dưới hòa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Các thế hệ cùng chung sống cởi mở, biết sẻ chia, tạo sự đồng cảm, cùng vun vén cho gia đình có cuộc sống ổn định về kinh tế. Hay như suy nghĩ giản đơn được truyền từ thời các cụ rằng có đủ ăn, đủ mặc, mọi người biết chăm lo cho nhau. Hoặc mỗi ngày các thành viên trong nhà trở về đoàn tụ đầy đủ, cùng dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, nấu nướng, trò chuyện và ngồi quây quần quanh mâm cơm với những câu chuyện đầm ấm yêu thương.
Từ xưa các cụ đã dạy: Gia đình đầm ấm, chí thú làm ăn, đấy là cái gốc rễ gia đình bền vững. Vợ chồng ông bà Dương Văn Đây và Nguyễn Thị Mão, ở xóm Ngoài 2, xã Úc Kỳ (Phú Bình) chia sẻ: Nhà làm nghề tương truyền thống, hôm sớm bận rộn với nấu cơm, ủ men, xay đỗ, vào tương. Nhưng lúc làm việc vợ chồng, con cái trong nhà nhỏ to chia sẻ. Nên mọi người trong gia đình hiểu nhau, thương yêu và sống có trách nhiệm với nhau theo một lẽ rất tự nhiên.
Còn vợ chồng ông bà Trần Văn An và Phùng Thị Xuân, xóm Làng Hin, xã Phấn Mễ (Phú Lương), cho biết: Gia đình tôi làm 1.000 trụ thanh long, chè ngoài bãi thu hái 1 tấn/năm, 10 sào ruộng cấy 2 vụ. Mỗi ngày vợ chồng đều chăm chỉ làm lụng để lấy tiền nuôi các con ăn học.
Với vợ chồng ông bà Ngô Văn Lý và Dương Thị Vinh, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) lại rất giản đơn: Hạnh phúc là được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo. Và các thành viên trong gia đình cùng bảo ban nhau vươn lên, tạo dựng được cuộc sống no đủ, đầm ấm hơn.
Hạnh phúc sinh ra từ lao động. Bởi một lẽ giản đơn, lao động tạo ra nguồn của cải để bản thân, gia đình không nghèo đói, đồng thời là nguồn nuôi dưỡng, duy trì hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình.
Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp quốc, ông Ban Ki-Moon đã khẳng định: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới mà ở đó các bên phải công nhận sự phát triển bền vững của cả ba trụ cột xã hội, kinh tế và môi trường trong lành. Các yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo ra khái niệm chỉ số chung về hạnh phúc toàn cầu”.
Không cao xa như trên, chuyện hạnh phúc, tôi hỏi một chị sống bằng nghề nhặt phế liệu ở TP. Thái Nguyên, chị nói mạch lạc: Hạnh phúc là mỗi ngày đều nhặt được nhiều rác. Nhiều thứ quý giá thiên hạ ném ra đường là rác, nhưng với tôi đó là tiền để duy trì cuộc sống, nuôi mẹ già và các con ăn học.
Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc. Ông Dương Minh Huệ, 74 tuổi cầm tay người bạn đời là bà Nguyễn Thị Thắng, 70 tuổi, ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) nói với chúng tôi: Một gia đình có nền nếp, có truyền thống văn hóa, có lối sống tích cực, biết yêu thương, biết chia sẻ thì con cháu trong nhà không bao giờ bị "lây nhiễm" văn hóa độc hại. Tôi tự hào với truyền thống của gia đình mình, 5 người con trai, gái của vợ chồng tôi đều đã có cuộc sống riêng. Các con trai, gái, dâu, rể đều là đảng viên. 10 đứa cháu nội, ngoại đều có ý thức phấn đấu học tập.
Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc thực sự có ý nghĩa. Mỗi người, mỗi gia đình đề cao đạo đức truyền thống: Ông bà, cha mẹ sống gương mẫu; con cháu biết nhường kính người trên. Mọi thành viên trong gia đình tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, biết giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn cùng vươn lên trong cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin