Nông dân… bị bỏ rơi

P.V 08:42, 19/03/2023

Tôi không phải phóng viên theo dõi ngành Nông nghiệp nhưng lĩnh vực phụ trách lại liên quan đến người nông dân.Trong nhiều lần đi cơ sở viết bài về nông dân, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn hiện hữu ở các làng quê, người nông dân có cảm giác bị… bỏ rơi khiến tôi trăn trở.

Anh Đồng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ sản xuất bưởi an toàn theo hướng hữu cơ ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương), đang làm đất để chuyển sang trồng cây ổi.
Anh Đồng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ sản xuất bưởi an toàn theo hướng hữu cơ ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương), đang làm đất để chuyển sang trồng cây ổi. Ảnh T.L

Cuối năm 2022, tôi đến thực tế ở Hội bò 3B Đồng Hỷ, sau khi cung cấp thông tin cho tôi, 1 thành viên giỏi gột bò trong Hội thành thật: Nghề vỗ béo trâu, bò có một phần giống dân “lướt sóng” bất động sản. Nhà có vốn đầu tư thì coi như đồng tiền của mình bị gầy đi, còn thế chấp tài sản đi vay ngân hàng thì có thể chuồng trâu cũng không còn để ở.

Không riêng trâu, bò, lợn và các sản phẩm từ gia cầm cũng rơi vào tình cảnh mất giá. Một lần đi viết về phong trào nông dân phát triển kinh tế từ vườn ao chuồng ở huyện Phú Lương, một bác nông dân, chúng tôi được giới thiệu là chăn nuôi giỏi, chia sẻ: Lợn và gia cầm đều chung tình cảnh mất giá… Thái Nguyên chưa là gì, một số địa phương lân cận còn rộ việc làm giả thông tin “giải cứu” sản phẩm gia cầm, làm đau đầu nhà chức trách.

Đầu tháng 2 vừa rồi, trong chuyến công tác tại Võ Nhai, tôi lại phải chứng kiến cảnh nông dân Võ Nhai chặt cây ăn quả để chuyển đổi sang cây trồng khác. Gạt mồ hôi vẻ bực dọc, chủ một vườn cây ăn quả bảo: Một chu kỳ trồng, chặt thường kéo dài trong 5 năm. Nghĩa là trồng, chăm sóc, đến ngày hái quả thì… chặt. Gia đình tôi đã tham gia một số mô hình do địa phương vận động như: Mơ lai, tre măng Bát Độ, vải, hồng không hạt và bây giờ “hồi kết” là vườn bưởi.

Trong những chuyến thực tế để viết về nông dân làm kinh tế, chúng tôi thấy rất lạ. Các chương trình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi đều được đội ngũ khuyến nông “cầm tay, chỉ việc” người nông dân. Rồi hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vốn mua cây - con giống, thậm chí hứa hẹn bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Khi đối chứng, hầu hết các mô hình đều đạt năng suất cao hơn rất nhiều lần so với cây, con nuôi, trồng theo phương pháp truyền thống. Vậy là “trăm hoa đua nở”, mô hình được nhân ra diện rộng.

Một điều “kỳ diệu” là khi nông dân ồ ạt nuôi, trồng theo phong trào, cần bao nhiêu giống cây, giống con thì đều được đáp ứng. Toàn bộ giống được cán bộ chuyên môn kiểm định chất lượng mới giao cho nông dân. Theo tư duy làm ăn thì như thế là sát thực, bảo đảm lợi ích cho nông dân quá. Nhưng khi có sản phẩm thì ế ẩm, muốn bán được phải chấp nhận “đại hạ giá”, hoặc chờ “giải cứu nông sản”. Mà việc “giải cứu” không phải là kế sách lâu bền.

Sau những chuyến đi, được nghe và thấy, tôi chợt nghĩ, giá như trước khi đưa cây trồng, vật nuôi giống mới vào sản xuất đại trà, tạo vùng hàng hóa, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu thực của thị trường; vận động doanh nghiệp có năng lực, uy tín đồng hành với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phải chắc chắn xã hội có nhu cầu tiêu dùng thì mới tổ chức triển khai tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nông dân làm mô hình cây, con cụ thể. Thêm vào đó, cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chi tiết cho nông dân thì họ không có cảm giác mình bị bỏ rơi; không hụt hẫng khi tham gia mô hình.