Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về tầm quan trọng của bình đẳng giới, tích cực xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững.
Đại biểu Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu nông sản của các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LƯU PHƯỢNG |
Trên 25 năm công tác tại xã Phú Thượng (Võ Nhai), chị Hoàng Thị Như Hoa đã trải qua nhiều vị trí công tác. Từ cán bộ chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp cho đến vị trí hiện tại là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ở cương vị công tác nào, người phụ nữ dân tộc Nùng này cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt từ năm 2020, với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chị Hoa đã phát huy vai trò người đứng đầu, cùng với tập thể UBND xã cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Qua đó góp phần tích cực xây dựng xã Phú Thượng trở thành một trong những địa phương dẫn đầu các phong trào thi đua ở huyện Võ Nhai. Bên cạnh đó, là đại biểu HĐND huyện, chị Hoa luôn phát huy tốt vai trò người đại biểu nhân dân tại địa phương...
Tại huyện vùng cao Võ Nhai, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện bình đẳng giới đã góp phần để huyện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong những năm gần đây. Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND huyện Võ Nhai có 9 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ gần 26,5%; HĐND cấp xã trên địa bàn có 79 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ gần 25%.
Không những vậy, trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo của đội ngũ nữ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được chú trọng.
Hội viên phụ nữ xã Phú Thượng (Võ Nhai) giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp địa phương tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà. |
Đến nay, toàn huyện Võ Nhai có 153 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; 171 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 26 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động có hiệu quả, kịp thời hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...
Tính chung trong toàn tỉnh, Thái Nguyên hiện có 1,3 triệu người. Trong đó, tỷ lệ nữ chiếm 51,1% và lực lượng lao động là nữ chiếm 50,6%. Xác định bình đẳng giới là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt là Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.
Những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, dự án về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ, từng bước khẳng định vai trò, vị trí. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội…
Được ngành chức năng đầu tư đưa sóng viễn thông về tận xóm, chị em phụ nữ dân tộc Dao ở xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương) sử dụng điện thoại di động để liên lạc với người thân. |
Qua đó, công tác bình đẳng giới đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều mục tiêu về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, y tế… có những cải thiện đáng kể.
Đến hết năm 2022, Thái Nguyên có 1 lãnh đạo chủ chốt HĐND tỉnh là nữ; 7/9 địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt của HĐND, UBND là nữ, đạt tỷ lệ 77,7%; 104/178 địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt của HĐND, UBND là nữ, đạt tỷ lệ 58,4%; tỷ lệ đảng viên nữ năm 2022 tăng 4,69% so với năm 2016; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đều tăng so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng 6,28%, cấp huyện tăng 3,28%, cấp xã tăng 4,04%. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên có đồng chí nữ Bí thư Tỉnh ủy. |
Ngoài ra, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ của toàn tỉnh đạt 54,0%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt trên 46,0%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,5%; tỷ lệ thời gian chăm sóc gia đình của nữ/nam đạt gần 1,6 lần; 87% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản…
Bên cạnh đó, đã có hàng nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 4,35% vào cuối năm 2022.
Những kết quả trên phần nào cho thấy Thái Nguyên đang làm tốt trong hành trình trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội. Từ đó sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ được tiếp cận cơ hội để học hỏi lẫn nhau, phát huy giá trị và trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin