Sơ cấp cứu (SCC) tại cộng đồng là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu mức độ thương vong do tai nạn thương tích nói chung, tai nạn giao thông (TNGT) nói riêng. Hiện nay, Thái Nguyên đang duy trì 48 điểm SCC tại cộng đồng, tuy nhiên chỉ có khoảng 20 điểm hoạt động hiệu quả. Để nâng cao chất lượng mô hình này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Chốt sơ cấp cứu an toàn giao thông phường Tân Long (TP. Thái Nguyên) là 1 trong 15 điểm được nhận trang bị, vật tư y tế. |
Qua khảo sát thực tế tại các chốt SCC trên địa bàn tỉnh cho thấy, khó khăn lớn nhất là thiếu thuốc, trang bị, dụng cụ vật tư y tế. Nguyên nhân là do một thời gian dài, các chốt không được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Để duy trì hoạt động, thành viên các chốt SCC phải bỏ tiền cá nhân ra mua thuốc, bông băng, tận dụng các vật dụng phù hợp để xử trí tình huống cho người bị nạn.
Nhằm khắc phục tình trạng này và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt SCC, mới đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã quyết định hỗ trợ và bàn giao trang bị vật tư y tế cho 15/20 chốt đang hoạt động bài bản, hiệu quả trên địa bàn, với tổng trị giá trên 238 triệu đồng.
Theo đó, 15 chốt SCC được hỗ trợ thuộc các huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai và TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên. Mỗi chốt được hỗ trợ 24 danh mục trang bị, vật tư y tế gồm: tủ đựng đồ, bông băng, cáng, túi cứu thương, nẹp gỗ…
Nói về điều này, ông Đỗ Tất Bình, Chốt trưởng Chốt SCC An toàn giao thông (ATGT) phường Tân Long (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Việc nhận được trang bị, vật tư y tế không chỉ giúp chúng tôi SCC thuận lợi, dễ dàng, mà người bị nạn cũng được cứu trợ kịp thời, an toàn hơn. Từ đó giúp cho hoạt động SCC của chốt ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Cũng theo ông Bình, tuyến đường từ chợ đến ngã tư đường tròn Tân Long luôn có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, trở thành điểm nóng về TNGT. Trung bình mỗi tháng, khu vực này xảy ra từ 4-5 vụ va chạm, TNGT. Từ năm 2015, Chốt SCC được thành lập với mong muốn khắc phục hậu quả tai nạn, tránh những thương vong không đáng có. Tuy nhiên, trước kia, toàn bộ dụng cụ cứu thương chúng tôi đều huy động của từng thành viên trong chốt, nẹp cứu thương đi xin ở các xưởng mộc.
Bên cạnh hỗ trợ trang bị, vật tư y tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng chú trọng tập huấn, cập nhật kiến thức y học hiện đại, kỹ năng về SCC cho các tình nguyện viên; tổ chức các hội thi, diễn tập SCC cho các tình nguyện viên, giúp họ nắm vững nguyên tắc xử lý, thành thạo các động tác băng bó, cầm máu, cố định xương gãy, phương pháp di chuyển nạn nhân... Riêng trong năm 2022, Hội đã phối hợp tổ chức được 15 lớp tập huấn, cho gần 1.400 lượt người về kỹ năng SCC tại cộng đồng.
Ngoài ra, những tháng gần đây, Ban ATGT tỉnh cũng hỗ trợ trang bị các vật dụng cho 5 chốt SCC, với trị giá gần 100 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng phối hợp với Ban ATGT tỉnh ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền ATGT và SCC nạn nhân TNGT; chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Ban ATGT cùng cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ và nhân dân chấp hành pháp luật về ATGT, xây dựng cộng đồng an toàn tại các địa phương.
Bà Kiều Thị Thao, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đánh giá: Công tác SCC kịp thời và đúng cách ngay tại nơi xảy tai tai nạn có vai trò quan trọng trong việc cứu sống nạn nhân, phòng, tránh được những tổn thương, chấn thương thứ phát, giảm chi phi điều trị cho người bị nạn. Bởi vậy, để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tăng cường theo dõi, quản lý cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các chốt SCC cộng đồng; tiếp tục rà soát, kiện toàn và thành lập mới các trạm, điểm SCC và đội xe ôm tình nguyện tại các "điểm đen" giao thông; tiếp tục vận động kinh phí để hỗ trợ trang bị, vật tư cho các chốt SCC; phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện hồ sơ để được công nhận, chuẩn hóa và phát triển thêm các chốt SCC trong toàn tỉnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin